Muôn kiểu do thám công nghệ cao của Mỹ và đồng minh

Một góc làm việc trong GCHQ, nơi đang thu thập thư điện tử của phóng viên Đài BBC, các báo Guardian, Le Monde, NBC, New York Times, The Sun, Washington Post và của hãng tin Reuters.
Một góc làm việc trong GCHQ, nơi đang thu thập thư điện tử của phóng viên Đài BBC, các báo Guardian, Le Monde, NBC, New York Times, The Sun, Washington Post và của hãng tin Reuters.
Sau khi bê bối do thám trên thế giới của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị phanh phui, người ta những tưởng Mỹ sẽ dừng hoạt động bất hợp pháp này. Nhưng, trên thực tế, theo tiết lộ mới nhất của “người thổi còi” Edward Snowden, các chương trình do thám của Mỹ vẫn tiếp tục với việc chia nhỏ thành từng lĩnh vực.

Đáng chú ý là lần này, cựu nhân viên CIA còn tiết lộ những chương trình theo dõi mà tình báo Anh, Đức và Canada đang thực hiện.

Hãng Reuter ngày 31/1 đưa tin, sau một thời gian “vắng bóng”, “người thổi còi” Edward Snowden bỗng xuất hiện với một loạt thông tin thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Đó là thông tin về việc Cơ quan an ninh thông tin liên lạc Canada (CSE) đã ngăn chặn và phân tích dữ liệu của khoảng 15 triệu tài liệu tải xuống mỗi ngày trong một phần chương trình do thám toàn cầu mang tên Levitation. Mạng lưới do thám này giúp CSE thu thập thông tin đồng minh và đối tác thương mại của nước này như Mỹ, Anh, Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Tài liệu của Edward Snowden còn khẳng định, mỗi tháng CSE thu được 350 trường hợp mà cơ quan này cho là đáng quan tâm. Trong số những “thành tích” của CSE, có chương trình nghe lén giúp phát hiện đoạn video bắt cóc con tin người Đức và phát hiện tài liệu mật về chiến lược bắt cóc con tin của chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Bắc Phi.

Trước đó, một số nguồn tin khác cũng cho hay, tình báo Canada từng thu thập dữ liệu của tất cả hành khách đi qua các sân bay của nước này và có kết nối với dịch vụ wifi ở các sân bay. Thậm chí, sau đó, tình báo nước này còn có thể theo dõi họ trong nhiều ngày khi các thiết bị không dây của họ xuất hiện tại các "điểm nóng" wifi khác ở các thành phố trên khắp Canada, thậm chí ở các sân bay của Mỹ.

Tại Đức, hoạt động do thám kiểu này cũng diễn ra khá thường xuyên. Tờ Del Speigel số ra ngày 30/1 cho biết, Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) đã thu thập trên phạm vi toàn cầu 220 triệu đơn vị siêu dữ liệu (metadata) mỗi ngày về nội dung các cuộc điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, hình ảnh và thông tin trao đổi trên mạng xã hội. Khoảng 1% trong số đó, tương đương 2 triệu đơn vị siêu dữ liệu, sẽ được lưu trữ trong vòng 10 năm.

Ngay cả trong trường hợp người dùng không gọi điện hay nhắn tin, việc phân tích siêu dữ liệu vẫn cho thấy thông tin về thời gian sử dụng thiết bị di động và các thông tin cá nhân người dùng lưu trữ trên điện thoại và máy tính. Tất cả là nhờ vào các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của BND giúp do thám các đường truyền Internet, thu sóng điện thoại từ các trạm thông tin hoặc qua vệ tinh.

Trong khi đó, tại Anh, cựu nhân viên CIA đã cung cấp tài liệu cho thấy, từ năm 2008 đến nay, Cơ quan thông tin chính phủ (GCHQ) đã thu thập thư điện tử của phóng viên Đài BBC, các báo Guardian, Le Monde, NBC, New York Times, The Sun, Washington Post và hãng Reuters. Bất kỳ một nhân viên nào làm việc cho GCHQ đều có thể truy cập và xem những bức thư điện tử này.

Cho đến nay, dù luôn bị chỉ trích xâm phạm quyền riêng tư, song tình báo Mỹ vẫn giữ kênh do thám bằng cách nghe trộm điện thoại. Sau khi cam kết không nghe lén các cuộc gọi của những nhà lãnh đạo thế giới nữa, từ năm 2014, Mỹ lại triển khai một chương trình do thám bí mật khác.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã thực hiện việc thu thập dữ liệu các cuộc điện thoại quốc tế của người dân Mỹ. Những thông tin được thu thập bao gồm số điện thoại, ngày giờ và thời lượng của các cuộc đàm thoại cùng với thông tin cước gọi.

Tờ Wall Street Journal cho hay, thông tin về chương trình theo dõi cuộc gọi trên bị tiết lộ trong một hồ sơ của tòa án cáo buộc một người đàn ông cố ý bán các thiết bị điện tử bất hợp pháp cho Iran. Và rằng, chương trình này được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ để thu thập lượng lớn dữ liệu các cuộc gọi "có liên quan tới hoạt động tội phạm và buôn bán ma túy quốc tế" từ Mỹ ra nước ngoài. Nhưng trên thực tế, nhiều đoạn ghi âm các cuộc gọi quốc tế của công dân Mỹ không có bằng chứng cho thấy có liên quan đến hoạt động tội phạm.

Hồi năm 2013, NSA cũng từng bị cáo buộc thu thập dữ liệu của khoảng 30% các cuộc gọi điện thoại trên khắp nước Mỹ. Còn tại Anh, một số báo cáo đã chỉ ra rằng, cảnh sát Anh từng truy cập nội dung các cuộc gọi của phóng viên để xác định những cảnh sát nào là nguồn tin của giới truyền thông Anh. Vụ việc đã khiến hơn 100 biên tập viên các tờ báo Anh trình một bức thư chung kêu gọi chính phủ nước này ngăn các nhà hành pháp xem nội dung các cuộc gọi của nhà báo mà không có sự cho phép của tòa án hôm 19/1.

Sẽ là thiếu nếu không nhắc đến một chương trình do thám mới bị phát hiện ở Mỹ. Tin từ Đài CNN cho hay, Chính phủ Mỹ đang theo dõi việc lưu thông của hàng triệu xe hơi trên khắp nước này thông qua một chương trình thu thập thông tin tình báo bí mật vốn bị lên án là vi phạm quyền tự do cá nhân. Chương trình này từng được giới chức Mỹ công khai thừa nhận với lập luận để chống buôn lậu ma túy gần biên giới với Mexico. Nhưng, DEA sau đó đã lợi dụng để triển khai do thám trên toàn quốc.

Một cơ sở dữ liệu quốc gia đã được xây dựng và lưu trữ dữ liệu của hàng trăm triệu xe hơi cùng người điều khiển nó. Các thiết bị theo dõi đọc biển số xe tiếp tục được lắp đặt không có giới hạn và DEA giữ số liệu này trong một thời gian dài, thậm chí còn chia sẻ với các cơ quan an ninh khác của Mỹ và cơ quan tình báo nước ngoài. Vụ việc này đang gây nhiều tranh cãi và Hiệp hội Nhân quyền Mỹ (ACLU) đã tính đến việc kiện Chính phủ Mỹ về vấn đề này.

Theo Ngọc Khuê

Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG