Năm câu hỏi lớn Zuckerberg trả lời vòng vo

Mark Zuckerberg tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Mark Zuckerberg tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ.
CEO Facebook đã không trả lời đúng trọng tâm các vấn đề về dữ liệu và thu thập thông tin người dùng trong cả hai phiên điều trần.

Trong buổi điều trần trước 44 Thượng nghị sĩ của Thượng viện ngày 10/4 và 55 thành viên Hạ viện hôm qua (ngày 11/4) về bê bối khiến 87 triệu thông tin người dùng bị rò rỉ, Mark Zuckerberg đã có nhiều câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, theo CNN, vẫn tồn tại những giải đáp bị các nghị sĩ đánh giá là "mơ hồ" và "thiếu trọng tâm", thậm chí là cần phải "giải thích lại".

Người dùng có thể bị theo dõi ngay cả khi không dùng Facebook?

Theo thượng nghị sĩ Roger Wicker từ bang Mississippi, đã có một số báo cáo cho rằng Facebook theo dõi hoạt động duyệt web của người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi mạng xã hội. Zuckerberg trả lời: "Thượng nghị sĩ, tôi muốn chắc chắn có câu trả lời chính xác, tôi sẽ làm việc với đội ngũ của mình về việc này".

Nhưng khi bị ép phải trả lời, Zuckerberg thừa nhận sử dụng cookie để theo dõi. Tuy nhiên, ông đưa ra lý do đây là "biện pháp phòng ngừa an ninh và để đảm bảo các quảng cáo tiếp cận mục tiêu hiệu quả".

Nhưng sau đó, Zuckerberg đã thừa nhận với Kathy Castor, thành viên Đảng Dân chủ bang Florida, rằng Facebook theo dõi người dùng ngay cả khi họ không đăng nhập.

Nếu tôi ngừng dùng Facebook, dữ liệu của tôi sẽ bị xóa sạch trong bao lâu?

Khi được Thượng nghị sĩ Dean Heller Nevada đưa ra câu hỏi này, Zuckerberg nói: "Tôi không biết trả lời từ đâu, nhưng nó đủ nhanh". Ông giải thích thêm, Facebook có nhiều hệ thống phức tạp và phải mất một khoảng thời gian nhất định mới xóa sạch dữ liệu.

Nhưng theo điều khoản Facebook, có thể mất đến 90 ngày để xóa vĩnh viễn dữ liệu của một người dùng.

Zuckerberg cũng nhấn mạnh người dùng có khả năng quản lý và xóa dữ liệu của mình trên Facebook, nhưng sẽ gặp khó khăn nếu đã chia sẻ với bên thứ ba thông qua các trò chơi, ứng dụng. Để xóa, bắt buộc người dùng phải liên hệ trực tiếp với nhà phát triển và yêu cầu.

Đối thủ lớn nhất của Facebook là ai?

Đây là câu hỏi được Thượng nghị sĩ Graham, một đảng viên đảng Cộng hòa từ Nam Carolina, đưa ra. "Thượng nghị sĩ, chúng tôi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, như Apple, Microsoft, Google và Amazon", Zuckerberg vòng vo.

"Anh không nghĩ rằng đang có sự độc quyền?", Graham hỏi. "Chắc chắn, tôi không cảm thấy như thế", Zuckerberg trả lời.

Zuckerberg cũng nhấn mạnh ở Mỹ có tới 8 ứng dụng nhắn tin và liên lạc. Tuy nhiên, nhiều ứng dụng đến từ công ty ông, gồm Facebook, Instagram, Messenger và cả WhatsApp.

Về chính sách bảo mật khó hiểu của Facebook

Điều khoản dịch vụ và chính sách bảo mật của Facebook là một hệ thống phức tạp. Ngay chính Zuckerberg cũng thừa nhận hầu hết mọi người không đọc toàn bộ điều khoản trước khi dùng mạng xã hội này.

Thượng nghị sĩ Grassley từ bang Iowa thắc mắc tại sao Facebook không minh bạch những cách thức mà dữ liệu người dùng có thể được sử dụng? Zuckerberg cho biết các chính sách bảo mật "rất khó hiểu" và các công ty công nghệ khác cũng gặp những thách thức tương tự. Tuy nhiên, ông hứa đội ngũ Facebook sẽ làm việc và khắc phục sớm.

Bà Anna Eshoo thuộc Đảng Dân chủ ở California, yêu cầu Facebook cần phải làm cho các điều khoản này "minh bạch, bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất". Tuy nhiên, Zuckerberg không đưa ra giải pháp.

Facebook có sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh?

Nữ nghị sĩ Eshoo cũng đặt câu hỏi về việc, liệu công ty có thay đổi mô hình kinh doanh của mình để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng tốt hơn không. Đáp lại, Zuckerberg cho biết "không chắc về điều đó".

Trước đó, Zuckerberg úp mở khả năng tung ra phiên bản trả tiền của mạng xã hội lớn nhất thế giới, dù vẫn nhấn mạnh "luôn luôn có một phiên bản miễn phí". "Nhiệm vụ của Facebook là giúp thế giới kết nối lại với nhau. Chúng tôi tin rằng sẽ cung cấp một dịch vụ mà mọi người có thể mua được và cam kết về điều đó", Zuckerberg nói.

Thượng nghị sĩ John Thune thuộc Đảng Cộng hòa từ Nam Dakota thừa nhận, với một dịch vụ miễn phí như Facebook, người dùng buộc trao đổi thông tin nhất định nếu muốn sử dụng. "Nhưng để mô hình này tồn tại, cả đôi bên cần phải biết được những lợi ích của mình và đảm bảo không bị lộ cho các bên khác", ông Thune nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG