NASA tính chuyện trồng khoai tây trên sao Hỏa

NASA đang tiến hành nghiên cứu tìm ra loại khoai tây có thể đưa lên sao Hỏa.
NASA đang tiến hành nghiên cứu tìm ra loại khoai tây có thể đưa lên sao Hỏa.
TPO - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ - NASA cùng Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) ở Lima (Peru) đang tiến hành thí nghiệm đầu tiên để chọn ra loại thực phẩm có thể đưa lên trồng ở sao Hỏa.

Các nhà khoa học thử nghiệm trồng 100 giống khoai tây trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như ở sao Hảo, mở đường cho việc xây dựng nhà vòm trồng rau trên hành tinh Đỏ.

Từ tổng số 4.500 giống khoai tây đăng ký tại CIP, các nhà nghiên cứu chọn ra 40 loại có nguồn gốc từ dãy Andes, đủ khả năng sinh tồn ở các vùng sinh thái khác nhau, chịu được sự thay đổi khí hậu đột ngột và sinh sôi được trong đá, địa hình khô cằn. 60 giống còn lại có thể sống sót ở môi trường ít nước và nước mặn, cũng như miễn dịch với virus.

Bên cạnh các tiêu chí trên, các giống khoai tây được chọn không chỉ đủ khả năng sống được trên Sao Hỏa, mà còn có thể nhân giống số lượng lớn.

Julio Valdivia Silva, nhà sinh vật học của NASA ở Peru, cho biết: “Chúng tôi gần như chắc chắn 100% nhiều giống khoai tây sẽ vượt qua các bài kiểm tra”.

Được biết, khoai tây là một trong những giống thực phẩm được trồng lâu đời nhất. Người Aymara cổ trồng khoai tây từ năm 2500 trước Công nguyên ở vùng đất Peru và Bolivia ngày nay.

Nhóm nghiên cứu hy vọng thông quá thí nghiệm này có thể giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng. “Chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai, để đối phó với tình trạng sa mạc hóa, nhiệt độ tăng cao và tăng hàm lượng muối trong đất”, nhà virus học Jan Kreuze tại CIP nhấn mạnh.

Đất ở La Joya Pampas, thuộc sa mạc Atacama (miền nam Peru), được coi là một trong những nơi khô cằn nhất trên trái đất, có nhiều đặc tính tương đồng với mẫu đất trên hành tinh Đỏ.

Các nhà khoa học dự định vận chuyển 200 pound (100 kg) đất ở đó đến phòng thí nghiệm CIP ở Lima, nơi sẽ mô phỏng khí quyển phức tạp trên sao Hỏa (chủ yếu là carbon dioxide và tiếp xúc trực tiếp với bức xạ cực tím).

Theo Valdivia, họ sẽ cần một hoặc hai năm để biết kết quả có bao nhiêu giống khoai tây phù hợp tiêu chuẩn và thêm năm năm nữa để vận chuyển chúng lên Sao Hỏa bằng tàu vũ trụ không người lái.

Nếu tháng tới, kết quả cho thấy khoai tây không thích nghi với đất sa mạc, các nhà khoa học sẽ áp dụng phương pháp khí canh (rễ cây lơ lửng trong không khí, được cung cấp nước và chất dinh dưỡng bằng phun sương và không khí xung quanh luôn được giữ ẩm). Theo đó, các nhà khoa học không trồng cây trong đất mà cho rễ vào trong hộp hình cầu hoặc hình khối, rồi phun chất dinh dưỡng cùng với thiết bị loại bỏ độc tố.

Trong những năm tới, NASA dự định sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu Sao Hỏa trong sa mạc ở Peru. Nơi đó sẽ là bản sao hoàn hảo của Sao Hỏa từ cảnh quan đến bầu khí quyền để phục vụ nghiên cứu canh tác ngoài vũ trụ.

Theo Theo Bangkok Post
MỚI - NÓNG