Nên tăng tốc, mở rộng khai quật điện Kính Thiên

Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2017 tại khu vực điện Kính Thiên góp thêm cơ sở phục dựng điện trong tương lai. Ảnh: Nguyên Khánh.
Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2017 tại khu vực điện Kính Thiên góp thêm cơ sở phục dựng điện trong tương lai. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - PGS.TS Tống Trung Tín, người phụ trách dự án khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017, như thông lệ dẫn các nhà khoa học đầu ngành và đại biểu “hội thảo đầu bờ” tại hố khai quật sáng 17/4, trước khi các nhà khoa học tập trung nghe báo cáo và thảo luận về những phát lộ mới thú vị.

Bất ngờ

Hố khai quật năm nay nằm chếch về góc phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên, phía Đông Nam khu vực hành cung thời Nguyễn. Năm nay, các nhà khai quật có chỗ đào sâu tới 4,5m với 16 lớp đào khác nhau.

“Về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của năm 2017 tương tự các hố khai quật từ năm 2011 đến nay với đầy đủ lớp văn hóa từ thời Đại La, Đinh, Tiền Lê-Lý-Trần-Lê sơ-Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Nhưng địa tầng và tầng văn hóa của đợt khai quật 2017 nổi lên hai đặc điểm: Địa tầng bị các đợt đào đắp, san lấp đời sau phá hủy nghiêm trọng các lớp văn hóa đời trước. Do sự phá hủy như vậy đã làm mất về cơ bản lớp văn hóa Đại La và thế kỷ 10, chỉ những vị trí các vách Đông, Tây của hố mới còn tương đối đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Di vật tìm thấy cũng có nhiều điểm đáng lưu ý như nhiều mảnh ngói thời Lê sơ tráng men xanh, men vàng cùng mảnh ngói trang trí rồng được dự đoán để lợp kiến trúc đặc biệt trong Hoàng cung thời Lê sơ. Hố đào này cũng xuất lộ nhiều đồ gốm men thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng và nhiều di vật có họa tiết rồng, phượng chứng tỏ đồ dùng của nhà vua.

Các nhà khai quật xác định ba dấu tích kiến trúc thời Lý, ba dấu tích kiến trúc thời Trần và một số dấu tích thời Lê sơ, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. PGS.TS Tống Trung Tín đánh giá, các đặc điểm cơ bản của vật liệu, loại hình dấu tích còn lại như móng cột, móng tường, nền kiến trúc, bó nền tương tự các di tích cùng thời ở vị trí từng khai quật, tuy nhiên bước đầu nhận thấy có vài dấu tích kiến trúc lớn. Dải nền hoa chanh ở dấu vết đời Trần khiến các nhà khoa học ngạc nhiên về kích cỡ, nếu tính cả bó nền có thể lên tới 1,5m. “Đây là dải nền hoa chanh lớn nhất (trừ kiểu hoa chanh dạng vòm cuốn ở 18 Hoàng Diệu) trong hầu hết các dải hoa chanh ở Thăng Long cũng như toàn lãnh thổ. Hơn nữa dải hoa chanh này tạo nên từ ngói phẳng, dẹt được xếp đặt quy chỉnh và tỉ mỉ cho thấy đây là công trình kiến trúc thuộc thời kỳ sớm của đời Trần-đầu thế kỷ 13. Từ đó có thể dự đoán đây là kiến trúc thời Trần chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung”, PGSTín nói.

Tăng tốc, mở rộng quy mô

TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nhận định chính kết quả khác biệt của năm nay cho thấy Hà Nội cần tiếp tục mở rộng khai quật. “Kế hoạch khai quật 1.000m2, với tốc độ này 50 năm nữa mới khai quật xong hành cung nhà Nguyễn, trong khi đó Hà Nội phê duyệt đề án hoàn trả không gian điện Kính Thiên cho nên Trung tâm cần kiến nghị để tăng tốc độ và mở rộng diện tích khai quật”, ông Sơn nói.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam lưu ý với phát hiện mới năm nay về hồ nước và kiến trúc trong lòng hồ cần mở rộng hơn về phía đường Nguyễn Tri Phương để làm rõ nhiều nghi vấn và giả thiết. Ông đồng quan điểm rằng chỉ có thúc đẩy nhanh hơn tốc độ khai quật mới có thể nhìn nhận đánh giá và có định hướng phục dựng không gian điện Kính Thiên. Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng cần làm rõ kiến trúc cột âm thời Lý, muốn vậy phải mở rộng quy mô đào tổng thể bài bản chứ không phải ấp đi rồi đào bên cạnh. “Nếu cứ đào 500, 1.000m2 như thế này chẳng có ý nghĩa gì, giống người mù sờ voi”, ông nói.

PGS.TS Bùi Minh Trí đề xuất Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần lập bản đồ tổng thể về kiến trúc để kết nối 18 Hoàng Diệu với khu vực 19 Hoàng Diệu mới có thể nhận biết về trục trung tâm. “Điều tôi cho là ấn tượng nhất và cần bàn luận nhất là việc tìm thấy khối lượng lớn ngói lợp trên cung điện thời Lê sơ và khác biệt với khu D 18 Hoàng Diệu. Phát hiện về ngói rồng ở đây rất hay, nếu phục dựng điện Kính Thiên thì có thể xem đây là căn cứ”, PGS Bùi Minh Trí nói. Ông cũng đề nghị các nhà khai quật làm rõ và lí giải bằng được sự xuất hiện của nhiều đồ dùng gia dụng cung đình thời Lê Trung hưng tại khu vực vốn được xem là trung tâm hành chính này. Việc xuất hiện hồ ở khu vực khai quật vừa qua là điều lí thú, theo PGS.TS Bùi Minh Trí nên nghiên cứu làm rõ quy hoạch tổng thể điện Kính Thiên.

GS.TSKH Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần tập trung để có đủ cứ liệu khoa học phục dựng không gian điện Kính Thiên, có thể khó phục dựng trong thực tế nhưng có thể phục dựng trong không gian 3D, hoặc phục dựng riêng kiến trúc mái. GS Phan Huy Lê cũng nhắc lại kế hoạch được Chính phủ phê duyệt-không chỉ yêu cầu khai quật mà đến lúc cần dựng lại sơ đồ để tổ chức hội thảo khoa học bàn thảo rộng hơn, kết hợp công bố kết quả khai quật khu vực Vườn hồng chứ không nên công bố rời rạc.

Không nên đào xong rồi để dưới đất

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội đề xuất đến lúc kết nối lại toàn bộ kết quả khai quật 20 năm qua. Nhân dân rất chờ đợi, cần biết và hiểu được giá trị của Hoàng thành chứ không chỉ vài ông nghiên cứu trong diện hẹp. Phải “đào ở dưới đất để nói chuyện những thứ còn lại trên mặt đất chứ không chỉ đào xong vẫn để dưới đất”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.