Người Hà Nội thở cùng ô nhiễm đến bao giờ?

Nhiều đường phố Hà Nội lại chìm trong khói bụi trong những ngày vừa qua. Ảnh: Như Ý
Nhiều đường phố Hà Nội lại chìm trong khói bụi trong những ngày vừa qua. Ảnh: Như Ý
TP - Ba ngày nay, Hà Nội lại rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, sau đợt ô nhiễm dài hơn 10 ngày cuối tháng 9.

Rạng sáng 5/11, AQI (chỉ số chất lượng không khí ) của Hà Nội ở các hệ thống quan trắc không khí tăng dần. Nồng độ bụi mịn PM2.5 (có khả năng đi trực tiếp vào máu, khẩu trang bình thường không cản được) vượt quy chuẩn tại hầu hết các trạm. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường cho thấy, trong ngày 5-6/11, chất lượng không khí tại hầu hết các trạm ở mức kém (AQI từ 101 - 200), riêng tại trạm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ngày 6/11 ở mức xấu (AQI từ 201 -300), tập trung từ nửa đêm đến sáng sớm (0h - 8h), cao nhất lúc 6h sáng. Không khí lên ngưỡng xấu là mức ô nhiễm rất nghiêm trọng, cực kỳ có hại cho sức khỏe mọi người. Người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, những người khác hạn chế ra ngoài. Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi PM2.5 khi ra đường.

Ô nhiễm được dự báo kéo dài trong những ngày tới. “Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng”, Tổng cục Môi trường nhận định.

Nguyên nhân của tình trạng này, như ba đợt ô nhiễm không khí tính từ tháng 8 đến nay, vẫn do “nghịch nhiệt” - hiện tượng thời tiết xảy ra thường xuyên vào mùa đông khiến chất ô nhiễm tích tụ gần mặt đất mà không khuếch tán được. Tuy nhiên, “nghịch nhiệt” chỉ là điều kiện đủ cho ô nhiễm không khí. Nguyên nhân gốc rễ vẫn là các nguồn phát thải chất ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và sinh hoạt.

Trong đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng hồi cuối tháng 9, Sở TN&MT Hà Nội, Tổng cục Môi trường nêu nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các chuyên gia môi trường hiến kế với nhiều giải pháp có thể triển khai ngay cũng như các giải pháp lâu dài, như cấm phương tiện cơ giới cũ (không được kiểm định) vào nội đô, cấm các hoạt động đốt ngoài trời, lắp đặt hệ thống quan trắc không khí cố định, yêu cầu các công trình xây dựng tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, rửa đường, cấm đốt than tổ ong, khu công nghiệp có quy mô xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường địa phương. Bên cạnh đó là các giải pháp căn cơ về thể chế, chính sách, giao thông, xây dựng, công nghiệp.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, viết trên Facebook cá nhân sáng 8/11: “Ngày thứ ba liên tiếp đỏ, thậm chí tím nữa (ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng-PV) nhưng hình như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi””.

Theo dự báo của các nhà khí tượng, Hà Nội sẽ còn phải đón nhiều đợt nghịch nhiệt trong mùa đông này, cũng như những mùa đông tới.

MỚI - NÓNG