Nhà khoa học nói gì với Bí thư Đinh La Thăng

TP - Ngày 13/6, làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Vusta) cho biết nhiều đề tài nghiên cứu rất có giá trị, đang cần đưa vào ứng dụng trong đời sống nhưng bị “đút ngăn kéo” nhiều năm nay vì vướng thủ tục, giấy phép con.  

GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kể: Tôi nghe GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn và các cộng sự chiết xuất thành công một loại tinh dầu có chức năng chữa bệnh, hồi phục sức khỏe liền xin một ít dùng thử. Đúng là rất hiệu nghiệm. Tiếc là sản phẩm này chưa đưa vào phục vụ đời sống người dân vì phải được Bộ Y tế cấp phép.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm xác nhận: Sản phẩm tinh dầu rất tiềm năng, hiệu quả và đã được triển lãm giới thiệu tại Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua nhưng để ứng dụng vào đời sống, thương mại hóa thì phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định.

Theo GS.TS Nguyễn Ân Niên, nhiều kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng rất cao đang bị xếp xó. Đơn cử như sản phẩm bê tông mặn làm từ cát biển và xi măng mác thấp có độ bền cao, chắc chắn, giá thành sản xuất rẻ hơn 70% so với công nghệ thông thường, rất phù hợp để làm kè chắn sóng ven biển. Sản phẩm này đã được thử nghiệm thành công ở biển Cần Giờ (TPHCM), chống đỡ tốt 2 cơn bão nhưng 15 năm qua chưa được ứng dụng rộng rãi vào đời sống.

Một số nhà khoa học chỉ ra thay vì nâng đường, TPHCM cần ứng dụng những giải pháp chống ngập khoa học nhưng có không ít đề tài nghiên cứu khả thi đã đề xuất nhưng thành phố không làm, chẳng hạn như làm kè xương cá, làm đập ngăn triều trên sông Soài Rạp kéo giảm mực nước triều trên các sông rạch.

PGS.TS Phan Minh Tân, Phó chủ tịch Vusta, nguyên Giám đốc Sở Khoa học công nghệ (KH&CN) TPHCM cho biết đã cùng một nhóm chuyên gia trong nước phối hợp với một nhà khoa học kiều bào nghiên cứu công nghệ nano và chế tạo thành công một hợp chất cacbon dùng sản xuất đèn LED thế hệ mới, tuổi thọ cao hơn, tiết kiệm điện năng hơn so với đèn LED thông thường.

“Công nghệ này ngay cả Nhật, Hàn Quốc cũng chưa có. Vậy mà kết quả nghiên cứu này đã bị đút ngăn kéo từ năm 2014 đến nay” – ông Tân cho biết.

Theo đại diện Sở KH&CN, nghiên cứu của PGS.TS Phan Minh Tân là công nghệ mới, đã được các phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà (nay là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Tất Thành Cang (hiện là Phó Bí thư thường trực thành ủy) thông qua.

“Hội đồng khoa học đã thông qua nhưng hiện nay đang tạm ngưng vì tân giám đốc sở yêu cầu kiểm tra làm rõ có sự tham gia của các doanh nghiệp như Điện Quang hay không” - ông này cho biết.

Tại buổi làm việc GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Vusta cho rằng TPHCM cần quy định một công trình có số vốn bao nhiêu tiền, ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân thì buộc phải phản biện độc lập và không nên phản biện ở cấp nội bộ như hiện nay vì đơn vị phản biện dưới quyền giám đốc sở nên không thể không ủng hộ dự án.

“Phản biện độc lập mới nói thẳng, nói thật. Hiện nay có tình trạng dự án bị trục trặc, thành phố yêu cầu báo cáo thì sở ngành mới mời phản biện. Tổ chức hội thảo tài liệu chỉ đưa trước một tuần nên cũng chỉ là “phản biện cho vui” - ông Giao nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.