Nhà mạng muốn tăng cước 3G, vì sao?

Nhà mạng muốn tăng cước 3G, vì sao?
TP - Nhiều động thái cho thấy, thời gian tới giá cước dịch vụ 3G ở Việt Nam sẽ tăng. Điều này có thể liên quan đến sự bùng nổ dịch vụ nhắn tin, thoại miễn phí (OTT) thời gian qua.

> Ra mắt gói cước 3G mới siêu rẻ
> OTT: Mối nguy an ninh hay bài toán lợi nhuận?

Trả lời Tiền Phong hôm qua, đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho hay, nhà mạng này chưa có thông tin chính thức liên quan việc tăng giá cước dịch vụ 3G song việc này có thể xảy ra trong thời gian tới. Trước đó, trong một buổi họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, do cạnh tranh nên thời gian đầu, các nhà mạng di động cung cấp dịch vụ 3G với giá cước tương đối thấp để lấp đầy lưu lượng. Đến nay, mức cước 3G thấp đã nảy sinh bất cập. Nhà mạng này kiến nghị tăng giá cước 3G song cũng cân nhắc việc tăng cước 3G như thế nào cho phù hợp.

Nhà mạng Vinaphone cho hay, thời điểm hiện tại chưa có lộ trình cụ thể về việc tăng giá cước dịch vụ 3G. Tuy nhiên, đại diện VinaPhone phân tích, giá cước dữ liệu của Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực và thế giới trong khi số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao. Doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng trong khi chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn.

Theo tính toán của các mạng di động Việt Nam, 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Nếu giá cước 3G tiếp tục bán dưới giá thành thì nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư mạng lưới.

Thời gian qua, một số nhà mạng đã có động thái cơ cấu lại các gói cước 3G. Từ 1/8/2013, Mobiphone cung cấp gói cước mới FC10 cho dịch vụ Fast Connect dành cho các thuê bao có nhu cầu sử dụng dữ liệu thấp với mức phí đăng ký 10.000 đồng. Trước đó, Viettel cũng cơ cấu lại dịch vụ Mobile internet với năm gói cước, hai gói tính theo lưu lượng: MI10, MI30 và ba gói cước không giới hạn: MIMAX, DMAX và DMAX200. Viettel cũng điều chỉnh các gói cước của mình bằng cách áp dụng chung giá cước và cách tính cước cho cả thuê bao 2G và 3G. Nhiều chuyên gia đánh giá đây có thể là động thái đầu tiên chuẩn bị cho việc tăng cước 3G của các nhà mạng.

Do dịch vụ OTT?

Thời gian gần đây, các nhà mạng than phiền nhiều về tác động của dịch vụ OTT với doanh thu. Tính đến tháng 4/2013, Viber cho biết, ứng dụng này có khoảng bốn triệu người Việt Nam dùng. Với mức độ tăng trưởng trung bình khoảng 500.000 người dùng/tháng, Viber kỳ vọng đến cuối năm 2013, số người dùng sẽ xấp xỉ 10 triệu. Kakao Talk đặt mục tiêu đến hết năm 2013 đạt khoảng bảy triệu người dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel tiết lộ, các dịch vụ OTT đang ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu của các nhà mạng bởi những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin chiếm khoảng 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông. Ông Hùng ước tính nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel khoảng 1.500 tỷ đồng. Trên thế giới dịch vụ OTT gây thiệt hại khoảng 9-10% doanh thu các nhà mạng.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom cho hay, việc bùng nổ các dịch vụ OTT khiến nhu cầu băng thông tăng lên rất cao, việc đầu tư cho mạng lưới 3G rất lớn trong khi giá cước 3G thấp cũng gây ảnh hưởng đến doanh thu nhà mạng. Vì thế nhà mạng phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới. Với các động thái trên, theo nhiều chuyên gia, khả năng tăng cước 3G của các nhà mạng trong thời gian tới là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng OTT bùng nổ.

Ước tính nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.