Nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú hội ngộ trong tháng 7

Hiện tượng nhật thực toàn phần đươc chụp tại Mỹ năm 2017.
Hiện tượng nhật thực toàn phần đươc chụp tại Mỹ năm 2017.
TPO - Nhật thực toàn phần, nguyệt thực một phần hay mưa sao băng là những hiện tượng thiên văn thú vị cùng xảy ra trong tháng 7 này. Việt Nam có thể quan sát được hai trong ba sự kiện.

Những ngày này, dòng người nườm nượp đổ về thung lũng Elqui nằm ở chân dãy núi Andes (thuộc Chile-Nam Mỹ) – nơi quan sát thiên văn tốt nhất thế giới, cũng là nơi có thể ngắm trọn vẹn nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào ngày mai 2/7. Khách sạn cháy phòng, tour du lịch cháy vé và hàng loạt kính thiên văn được dựng lên để chờ đón sự kiện thiên văn kỳ thú này.

Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời nếu nhìn từ Trái Đất, để lộ ra lớp khí quyển bên ngoài tuyệt đẹp gọi là vành nhật hoa. Đáng tiếc, sự kiện lần này chỉ có thể quan sát được tại phía nam Thái Bình Dương, miền trung Chile và miền trung Argentina. Phía tây Nam Mỹ và một phần nam Thái Bình Dương có thể quan sát một phần của nhật thực. Việt Nam và Đông Nam Á bỏ lỡ mất cơ hội quan sát.

Cũng trong tháng 7 sẽ diễn ra nguyệt thực một phần vào ngày 17/7. Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của bóng Trái Đất, chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực lần này có thể quan sát ở một vùng rộng lớn gồm Châu Âu, Châu Phi, vùng trung tâm Châu Á, và Ấn Độ Dương, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, có thể quan sát nguyệt thực vào rạng sáng ngày 17/7. Cụ thể, nguyệt thực nửa tối bắt đầu từ 01:43, nguyệt thực một phần bắt đầu lúc 03:01, nguyệt thực đạt cực đại lúc 04:30 rạng sáng 17/7.

Nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú hội ngộ trong tháng 7 ảnh 1mưa sao băng Bảo Bình sẽ đến vào cuối tháng 7. 

Cũng trong tháng 7, người yêu thiên văn Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Bảo Bình (Delta Aquarid). Đây là trận mưa sao băng trung bình với khoảng 20 sao băng một giờ ở thời điểm cực đại. Mưa sao băng Bảo Bình có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Marsden và Kracht, xảy ra từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 23 tháng 8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 29, rạng sáng 30/7.

Năm nay, Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng đẹp của cả năm.

MỚI - NÓNG