Nhiều kênh phát lậu bóng đá Asiad 2018 tại Việt Nam

Không có bản quyền phát sóng Asiad 2018, các kênh bóng đá lậu "mọc lên như nấm" tại Việt Nam, cả cho smartphone lẫn máy tính.

"Ai có link xem Việt Nam lúc 7h tối nay cho mình xin với" là bài đăng của Đức Huy trên mạng xã hội để tìm cách xem đội nhà thi đấu tại Asiad năm nay. Ngay phía dưới, hàng chục bạn bè của Huy đã chia sẻ đường link cũng như các cách xem bóng đá, dù rằng Việt Nam chưa có bản quyền phát sóng.

Việt Nam đá trận mở màn Asiad 2018 với Pakistan ngày 14/8 và trước giờ bóng lăn, hàng loạt kênh xem lậu đã xuất hiện. Một số fanpage và tài khoản Facebook đã livestream trận đấu này, thu hút hàng nghìn người xem cùng lúc. Ngoài ra, YouTube cũng trở thành dịch vụ phát tán nội dung bóng đá lậu thu hút nhiều người Việt nhất.

Nhiều kênh phát lậu bóng đá Asiad 2018 tại Việt Nam ảnh 1 Một fanpage phát lậu trận Việt Nam - Pakistan trong khuôn khổ Asiad 2018.

Với sự lên ngôi của smartphone, bóng đá lậu Asiad 2018 cũng len lỏi vào các thiết bi di động. Một số ứng dụng xem nội dung không bản quyền được cập nhật thêm các kênh bóng đá châu Á có phát trận Việt Nam thi đấu. Các phần mềm này cũng có thể cài trên Android box để xem trên TV, phát ra máy chiếu màn hình lớn.

"Người phát lậu thường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phổ biến là dùng VPN để 'fake' IP, từ đó xem được nội dung từ các trang có bản quyền ở nước ngoài. Sau đó, những người này livestream trên YouTube, Facebook hay các website của họ...", Đức Hùng - một người làm trong lĩnh vực truyền thông cho biết. "Phát lậu nhưng họ có cả bình luận tiếng Việt trước và trong trận đấu", người này nhận xét.

Do phát lại nên chất lượng nội dung một số kênh chỉ ở mức trung bình. Một số kênh vi phạm bị Facebook, YouTube phát hiện nên đã khóa lại, song trang này vừa "chết" thì trang khác lại "mọc lên" ngay sau đó. 

Nhiều kênh phát lậu bóng đá Asiad 2018 tại Việt Nam ảnh 2 Xem lậu Asiad 2018 trên di động.
Các kênh đua nhau phát lậu Asiad 2018 chủ yếu nhằm thu hút người xem, từ đó kiếm tiền bất hợp pháp. Với Facebook, YouTube, người phát có thể tăng lượt follow, tăng subscribe (người theo dõi) qua đó gián tiếp thu lợi nhuận. Một số fanpage lớn không trực tiếp livestream mà chia sẻ từ fanpage "con" để tránh bị "đánh sập" bản quyền. Còn các website phát lậu thì đặt quảng cáo kiếm tiền, người vào xem lậu sẽ xem và có thể click vào quảng cáo trên đó. Những tài khoản Facebook và YouTube nhiều người theo dõi còn kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo chạy chữ, banner trong video livestream hay đặt link trong bài viết. "Do phát lậu, chẳng mấy công ty chính thống nào đặt quảng cáo ở đây, chủ yếu là các dịch vụ bài bạc, chơi game đổi thưởng bất hợp pháp", một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận xét.  19h hôm nay, Việt Nam sẽ có trận đấu thứ hai trước Nepal tại bảng D Asiad 2018. Chưa có thông tin mới về tình hình bản quyền, các trang lậu có thể sẽ tiếp tục kiếm lời từ tình yêu bóng đá của những người hâm mộ nước nhà. Tuy nhiên, nếu đơn vị nắm bản quyền mạnh tay yêu cầu, những nội dung vi phạm sẽ bị gỡ bỏ trên Facebook, YouTube; còn xử lý những website độc lập thì khó khăn hơn. "Trong bóng đá, chúng ta mến mộ và đề cao fair play thì tôi nghĩ cũng nên 'chơi đẹp' với vấn đề bản quyền", Quang Huy - một phóng viên thể thao chia sẻ. "Việc xem lậu tại Việt Nam có thể khiến nhà cung cấp mất quyền tiếp tục phát giải đấu, cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc mua bản quyền các chương trình khác của Việt Nam sau này. Nếu không có cách hợp pháp, cá nhân tôi chấp nhận xem lại Asiad 2018 và theo dõi tường thuật thông qua báo online", anh nói.
Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG