Những dấu ấn khoa học công nghệ Việt 2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nhấn nút khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018. Ảnh: Thống Nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nhấn nút khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018. Ảnh: Thống Nhất.
Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất cấu kiện động cơ máy bay; hoạt động kết nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... để lại nhiều dấu ấn trong năm.

Năm 2018 Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc tế (Industry 4.0; Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN; Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018)...

Các sự kiện được tổ chức, kết nối hàng trăm trí thức người Việt thuộc các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot... cùng khát vọng chung tay tận dụng cơ hội, lường trước những thách thức của cuộc cách mạng 4.0 vào phát triển kinh tế Việt Nam. 

Lần đầu tiên Mạng lưới đổi mới sáng tạo người Việt được công bố, tiếp sau đó các kết nối được cụ thể hóa bằng nhiều dự án hợp tác tại bộ, ngành, doanh nghiệp với các tri thức người Việt.

"Làn sóng" hợp tác của các trí thức người Việt cho thấy cơ chế chính sách thu hút nhân tài, môi trường pháp lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ đang tạo đà và phát huy tác dụng.

Ở trong nước, các nhà trí thức, sáng tạo cũng có cơ hội vươn ra toàn cầu khi ngày 28/11, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Xinova (Mỹ) ký biên bản ghi nhớ hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Trung tâm này có nhiệm vụ thu hút các nhà sáng tạo Việt, kết nối họ với mạng lưới của Xinova gồm 12.000 nhà sáng tạo toàn cầu.

Trong lễ khai mạc Techfest 2018 tổ chức tối 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất Việt Nam nên hình thành Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia. Sự kiện này thu hút gần 5.500 lượt người tham dự,160 cuộc kết nối đầu tư giá trị 7,86 triệu USD.

Các trung tâm này được hình thành là cơ sở để nhà khoa học toàn cầu cùng chung tay giải quyết bài toán của Việt Nam. Nhà khoa học trong nước có nhiều cơ hội bước ra khỏi phòng thí nghiệm nói "ngôn ngữ của thị trường".

Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất cấu kiện động cơ máy bay

Ngày 6/12, Nhà máy Hanwha Aero Engines với vốn đầu tư 200 triệu USD đã khánh thành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sẽ xuất xưởng cấu kiện động cơ máy bay ra toàn thế giới vào tháng 1/2019.

Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất động cơ hàng không, lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam mở ra cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, giúp chuyển giao và nâng cao năng lực về công nghệ cho Việt Nam.

Nhà máy này đi vào hoạt động chỉ là một dấu mốc cho thấy công nghệ cao đã được đặt nền tảng ở Việt Nam bởi trong năm 2018 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng tiếp nhận nhiều dự án thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông minh.

Trong số đó, ngày 23/11, Tập đoàn Vingroup đã được trao chứng nhận đầu tư dự án "Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh" tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự án có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng, sẽ được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động từ Quý II năm 2019.

Với 10 dự án được cấp phép đầu tư trong năm 2018 nâng tổng số lên 87 dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tổng vốn là 78.000 tỷ đồng trên diện tích 365 ha.

Việc nhà đầu tư lớn tham gia phát triển các dự án thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tại đây được kỳ vọng là cái nôi "nhân bản" và nâng cao năng lực công nghệ cao cho Việt Nam.

Nhà khoa học Việt lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

Tạp chí Asian Scientist đã bình chọn hai nhà khoa học của Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á gồm GS Phan Thanh Sơn Nam (lĩnh vực Hóa học) và PGS Nguyễn Sum (lĩnh vực Toán học). 

Hai nhà khoa học này từng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. PGS Nguyễn Sum được trao giải thưởng vì công bố công trình toán học trên tạp chí hàng đầu thế giới với chứng minh xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết "hit" do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

GS Phan Thanh Sơn Nam đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.

Những dấu ấn khoa học công nghệ Việt 2018 ảnh 1 GS Phan Thanh Sơn Nam (trái) và PGS Nguyễn Sum.

Tại các giải thưởng lớn, năm 2018 cũng ghi nhận thành công của các nhà khoa học Việt với những công trình ý nghĩa trong khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

Trong đó GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Mỹ) được giải Dirac 2018 (Giải thưởng về Vật lý) vinh danh với công trình nghiên cứu về cơ học lượng tử ảnh hưởng lên hệ nhiều vật. Việc GS Đàm Thanh Sơn được nhận giải này có ảnh hưởng lớn đối với ngành vật lý Việt Nam khi ông đang trực tiếp tham gia phát triển các nhóm vật lý tiên tiến trong nước.

Những dấu ấn khoa học công nghệ Việt 2018 ảnh 2 TS Nguyễn Thị Hiệp (trái) và GS Đàm Thanh Sơn (phải).

Là nhà khoa học nữ, TS Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) lọt vào danh sách 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi đến từ các quốc gia được vinh danh "Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới" do Quỹ L’Oréal – UNESCO trao tặng ngày 21/3 tại Pháp. TS Hiệp có công trình nghiên cứu loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo tế bào.

TS Hiệp trở thành nhà khoa học thứ hai của Việt Nam được ghi nhận trong suốt 20 năm Quỹ L’Oreál và UNESCO tìm kiếm và tôn vinh các nhà khoa học nữ trên khắp thế giới có thể giới thiệu những công trình nghiên cứu góp phần xây dựng cuộc sống hiện đại hơn và giải quyết những thách thức đối với sức khỏe của con người.

Phát hiện di cốt người tiền sử tại hang động núi lửa

Các nhà địa chất và khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện về di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông. Có 3 di cốt người cùng hàng vạn mẫu vật được xem là di sản độc đáo ở Việt Nam và Đông Nam Á tìm thấy và xác định có niên đại cách 7.000 - 4.000 năm.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, hang động núi lửa được các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu toàn diện bằng nhiều phương pháp, xác lập đầy đủ các giá trị di sản tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học) và văn hóa (khảo cổ học) cho loại hình di sản hang động núi lửa.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi một số nhà khoa học nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Australia và Indonesia... đều nói rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong hang động núi lửa.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG