Những người phê duyệt đề tài khoa học 'lạ' nói gì?

Những người phê duyệt đề tài khoa học 'lạ' nói gì?
TP - Trong danh mục đề tài nghiên cứu cơ bản lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, mảng tâm lý học, giáo dục học có nhiều đề tài lạ như nghiên cứu “Tính cách thanh niên Huế”, nghiên cứu “Đặc điểm giao tiếp của nhân viên Ngân hàng Thương mại Việt Nam”.

Hai đề tài nghiên cứu này đều đạt điểm số cao, được 100% thành viên hội đồng khoa học đồng ý cấp ngân sách tài trợ. Số tiền tài trợ là 693 và 683 triệu đồng, thời gian nghiên cứu cùng trong hai năm.

Ở lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học - mảng có nhiều nghiên cứu “lạ”, Chủ tịch Hội đồng Khoa học là GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam. Nói về đề tài nghiên cứu tính cách thanh niên Huế, TS Dong cho biết, trước đây cũng có một số nghiên cứu về nhân cách con người ở địa phương như nghiên cứu nét tính cách, tâm hồn người Thanh Hóa. Huế là vùng đất cố đô với nhiều nét phong tục, tập quán riêng nên người Huế cũng có nét riêng. Hội đồng khoa học sau khi xem xét thì thấy nghiên cứu được nét độc đáo của người Huế cũng là vấn đề hay. “Là Chủ tịch, tôi thấy các thành viên hội đồng đều đồng ý cả”, GS Dong nói.

Chia sẻ về nghiên cứu “Tính cách thanh niên Huế” GS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học (đơn vị lựa chọn đề tài) cho rằng, chúng ta có nghiên cứu về tính cách của người Hà Nội thì tại sao không nghiên cứu về tính cách người Huế. “Thanh niên Huế có tỷ lệ vi phạm pháp luật ít nhất cả nước. Nhưng nơi đây có nền kinh tế thị trường chưa phát triển. Phải chăng do bản tính của họ là hiền hòa nên có phần thiếu năng động? Do vậy phải nghiên cứu về tính cách thanh niên Huế; để làm cơ sở khái quát thành tính cách người Việt Nam”, GS Dũng nói.

Nghiên cứu “Đặc điểm giao tiếp của nhân viên Ngân hàng Thương mại Việt Nam” được GS Dũng  cho biết, ông đi thực tế ở miền núi thấy bà con còn ngại vay vốn, vì một nguyên nhân là giao tiếp của nhân viên ngân hàng. Vấn đề này liên quan đến hầu hết các gia đình Việt Nam.

Trả lời câu hỏi “vì sao cấp tiền ngân sách cho những đề tài nghiên cứu mơ hồ, không rõ hiệu quả thế này?”, ông Mai Thế Bình, Phó giám đốc cơ quan điều hành quỹ nói, nghiên cứu cơ bản khác với nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu cơ bản trước hết là tìm ra được một đơn vị tri thức mới để công bố, đóng góp vào tri thức nhân loại còn ứng dụng của nó là việc khác. Nếu nghiên cứu ứng dụng phải chỉ ra được sản phẩm là gì, chuyển giao cho ai, dùng để làm gì thì nghiên cứu cơ bản chưa đòi hỏi thế. “Ngoài việc đóng góp tri thức mới, phát hiện mới, nghiên cứu cơ bản giúp tăng năng lực người nghiên cứu, làm nền tảng cho nghiên cứu sau này”, ông Bình nói.

Năm 2014, số lượng đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn là 75. Theo ông Mai Thế Bình, mỗi đề tài được tài trợ số tiền trung bình từ 700-720 triệu đồng. Như vậy, với 75 đề tài, số tiền ước tính cho nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn do quỹ NAFOSTED tài trợ năm 2014 là hơn 50 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.