Những nhà khoa học nữ cháy bỏng đam mê

ThS Trương Hải Nhung.
ThS Trương Hải Nhung.
TP - Trong số 72 nhà khoa học trẻ tiêu biểu sẽ gặp Thủ tướng Chính phủ sáng mai (11/9), chỉ có 10 nhà khoa học nữ nhưng thành tích của họ lại vô cùng đáng nể. Có được thành công như vậy, theo người trong cuộc, họ đã cháy hết với đam mê của tuổi trẻ.

Mang chuột về nhà làm thí nghiệm

ThS Trương Hải Nhung là nhà khoa học nữ trẻ nhất trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các nhà khoa học trẻ ngày mai. Sinh năm 1985, ThS Nhung là giảng viên Bộ môn Động vật và Sinh lý, nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Ở tuổi 30, rất trẻ so với tuổi đời nghiên cứu, ThS Nhung có tới 9 đề tài, dự án tham gia và làm chủ nhiệm, 14 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, tám bài báo đăng trên tạp chí trong nước, hai chương sách nước ngoài và một sách chuyên khảo trong nước, 12 báo cáo hội nghị, hội thảo quốc tế.

Nghiên cứu ở một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam là công nghệ sinh học và công nghệ tế bào gốc, ThS Nhung chia sẻ, khi tiếp cận lĩnh vực này bản thân chị và đồng nghiệp khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp, máy móc thiết bị chuyên dụng chưa nhiều nên các nghiên cứu chưa thể triển khai chuyên sâu được. “Năm đại học thứ 3, mình và các bạn phải mang chuột về nhà chăm sóc vì phòng thí nghiệm không đủ chỗ. Thầy phải liên hệ nhiều bệnh viện và trung tâm để sử dụng nhờ thiết bị nghiên cứu. Với nỗ lực của thầy Phan Kim Ngọc và thầy Phạm Văn Phúc, Phòng thí nghiệm Tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam đã ra đời (2007)”, ThS Nhung chia sẻ. 

Theo ThS Nhung, dù công việc nghiên cứu đôi khi không theo thời gian thường nhật, phải thức đêm, hoặc làm suốt tuần, suốt tháng không nghỉ, nhưng chị và các bạn đồng nghiệp đều rất hăng say. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của người phụ nữ có gia đình như mình khi làm nghiên cứu là cần dung hoà thời gian giữa công việc nghiên cứu và gia đình mà việc này cũng khó lắm.

“Có nhiều người hỏi mình sao không làm các công việc nhàn hạ hơn, theo giờ hành chính mà lại làm công việc nghiên cứu. Mình chỉ cười và nói đó là cái nghiệp của từng người, mình thích nghiệp nghiên cứu này. Mỗi công việc đều có cái cực, cái khó khác nhau, và mỗi người cảm nhận nó theo tinh thần và thái độ khác nhau”, Nhung chia sẻ.

Hỏi về kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn trong nghiên cứu, ThS Nhung chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất ở một người trẻ nói chung hay một người nghiên cứu trẻ đó là nhiệt huyết và cống hiến. Nhiệt huyết là động lực để bạn không bao giờ nản chí khi gặp khó khăn. Làm nghiên cứu là tìm tòi cái mới, và trong quá trình đó thì thất bại luôn sẵn sàng chờ đón bạn. Không có nhiệt huyết bạn sẽ bỏ cuộc và nếu vậy sẽ không bao giờ có những nhà khoa học đoạt giải Nobel. Trong khoa học, nếu nhiệt huyết là điều kiện cần thì cống hiến là điều kiện đủ để những nhà nghiên cứu trẻ thành công. Tinh thần cống hiến sẽ giúp bạn chiến thắng và luôn làm vì cái đúng.

Những nhà khoa học nữ cháy bỏng đam mê ảnh 1

TS Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải sang).

Mỗi ngày ngủ 3-4 tiếng

TS Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Điện lực cũng là nhà khoa học trẻ tiêu biểu gặp mặt Thủ tướng. Sinh năm 1980, TS Hà là tác giả của tám bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, 13 bài hội thảo quốc tế, tám nhiệm vụ khoa học công nghệ và năm công trình đang được ứng dụng thực tế. Nhiều công trình trong đó mang lại hiệu quả cao như Dự án quản lý đào tạo cán bộ quản lý các cấp của tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hệ thống tự động tổng hợp thông tin kinh tế và tổng hợp báo cáo.

Mong muốn trở thành một nhà ngoại giao nhưng cái duyên đưa chị đến với ngành công nghệ thông tin. Để có được thành công hôm nay, TS Hà cho biết, gần chục năm nay, mỗi ngày chị chỉ ngủ từ 3-4h đồng hồ. 2h sáng, thời điểm phần lớn mọi người ngủ say cũng là lúc TS Hà bắt đầu một ngày mới. “Có những lần tôi gửi mail 3h sáng. Có người hỏi tôi sao thức muộn thế. Họ không biết đó là lúc tôi dậy để bắt đầu một ngày. Có thời điểm bận rộn quá, tôi phải đưa cả ekip về nhà làm việc”. Chị Hà chia sẻ thêm, “thời kỳ làm luận văn tiến sỹ, một ngón tay bị gẫy nhưng chị không nghỉ mà dùng một cánh tay để làm việc ròng rã cả tháng trời.

Là phụ nữ nhưng lại theo ngành của đàn ông, TS Hà cho biết, chị luôn luôn phải học hỏi không ngừng. Công nghệ thay đổi từng ngày nên nếu không học hỏi từng ngày thì sẽ tụt hậu nên ngày nào chị cũng phải đọc để nâng cao kiến thức và để có được ngày hôm nay, chị cũng từng phải đứng giữa những lựa chọn khắc nghiệt.

Những nhà khoa học nữ cháy bỏng đam mê ảnh 2

TS Vũ Thị Thu.

TS Vũ Thị Thu, giảng viên khoa Sinh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội gây ấn tượng với thành tích tám bài báo quốc tế, 23 bài đăng hội thảo quốc tế, một văn bằng bảo hộ do Hàn Quốc cấp, ba giải thưởng nhà nghiên cứu khoa học trẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc trao tặng, Giấy khen cho đóng góp nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc. 

TS Thu chia sẻ, với người làm nghiên cứu ai cũng thấy thiếu thời gian, nhất là với người mẹ hai con như chị. “Cũng may là mình luôn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của đồng nghiệp. Đặc biệt, mình nhận được sự ủng hộ không nhỏ từ hai bên nội ngoại, sự chia sẻ  và cảm thông của ông xã. Đó là lí do tại sao mình có thể cân đối hài hòa giữa công việc chuyên môn và gia đình”, TS Thu chia sẻ.

Theo chị Thu, làm nghiên cứu là một đam mê nên dù nhiều người nghĩ công việc này khô khan, tẻ nhạt thì chị luôn thấy nó thú vị. “Mình luôn cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã cố gắng đạt được. Tuy nhiên không vì thế mà cho phép mình dừng lại. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào mình cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và công việc được giao phó”, TS Thu chia sẻ thêm.

Nhà khoa học nữ là tấm gương cho sự kiên trì, sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: “Số lượng nữ nhà khoa học trong tổng số nhà khoa học ở Việt Nam không nhiều nhưng phụ nữ đã làm khoa học thường xuất sắc. Nhiều người có được những sản phẩm xuất sắc, giành giải thưởng cao như GS.TS Lê Thị Luân, sáng chế thành công vắc xin Rota phòng tiêu chảy ở trẻ, đưa Việt Nam là một trong bốn quốc gia trên thế giới sản xuất thành công loại vắc xin này, các nhà khoa học nữ ở Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long… Trong những lần trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cũng có những nhà khoa học nữ. Chúng tôi đánh giá cao nhà khoa học nữ, trong điều kiện làm việc khó khăn, vừa phải lo chăm sóc gia đình vừa phải cạnh tranh với đồng nghiệp vẫn vươn lên trong công việc. Nhiều nữ nhà khoa học là tấm gương sáng về sự kiên trì, sáng tạo, vượt khó trong cuộc sống để theo đuổi đam mê nghiên cứu”.

 H.T

MỚI - NÓNG