Nỗ lực mang nước sạch đến cho người dân Thủ đô

Nỗ lực mang nước sạch đến cho người dân Thủ đô
Liên tiếp các diễn đàn lớn nhỏ có chủ đề về nước sinh hoạt cùng các hành động quyết liệt của thành phố trong thời gian gần đây đang cho thấy nỗ lực không nhỏ trong việc mang nước sạch đến cho người dân Thủ đô.

Tại Diễn đàn ngành nước Đức – Việt Nam thành phố Hà Nội” giữa tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, một trong số những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của thành phố là công tác phát triển hạ tầng, kỹ thuật. Diễn đàn do UBND TP. Hà Nội, Hội cấp thoát nước Việt Nam và Hội hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức.

Hiện nhu cầu sử dụng nước sạch ở Thủ đô là rất lớn. Tổng công suất nguồn tập trung của thành phố đã đạt trên 1.200.000m3/ngđ (trong đó nguồn nước ngầm là trên 600.000 m3/ngđ và nước mặt là khoảng 600.000m3/ngđ), đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực đô thị với tỷ lệ cấp nước là 100%, chỉ tiêu 120 – 150l/người/ngày.

Để phát huy tối đa công suất các nguồn cung cấp hiện có, UBND TP đã giao các nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn.

"Mục tiêu về nước sạch của thành phố đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%", ông Hùng nói.

Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn thành phố có tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm vảo vệ sinh là 100%, trong đó có trên 55,5% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, trong đó huyện Hoài Đức (91%), Quốc Oai (82%), Thạch Thất (81%), Thanh Trì (78%), Gia Lâm (75,4%).

Hà Nội cũng đặt mục tiêu năm 2019 có 75% người dân nông thôn được dùng nước sạch. Và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 100%.

Với nỗ lực của Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn này đang dần tăng. Việc tiếp tục mở rộng mạng lưới nước sạch, mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch được các chuyên gia cho là không khó đạt.

Tại triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam diễn ra vào ngày 30.5, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, Hà Nội đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn và tiền đề phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam rất rộng mở.

Ngành nước Việt Nam cũng đang được cho là có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam tại  triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam cho biết ngành nước Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Đặc biệt, ngành cấp nước Việt Nam "không thua kém các nước trong khu vực và Châu Á.

Cụ thể, mục tiêu đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả người dân (nằm trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030) đang được nhiều quốc gia triển khai, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật trong nước liên quan đang ngày càng hoàn thiện; sự phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa cũng đang đẩy nhanh nhu cầu về tiếp nhận nước sạch.

Cũng theo ông Tiến, Hà Nội đang thực hiện theo quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: “Hà Nội đã đầu tư thêm một số nhà máy cấp nước với quy mô, công suất lớn, ví dụ như nhà máy nước sạch sông Đuống với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Song song với đó là việc nâng cấp xây dựng tiếp nhà máy thứ hai cũng là 150.000 m3 nữa. Hiện nay mạng lưới cấp nước từ nhà máy này cũng đang được xây dựng. 

“Chúng tôi cho rằng, hiện nay mạng lưới cấp nước đô thị đang vươn tới cấp nước cho các vùng nông thôn, đặc biệt các vùng ngoại ô, các vùng kế cận. Một số khu vực khác vẫn do cấp nước nông thôn quản lý nhưng chúng ta cũng phải mong muốn, mạng lưới cấp nước đô thị vươn đến phục vụ cho các khu vực nông thôn, không chỉ có Hà Nội”, ông Tiến nói.

Về việc mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn, báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thực hiện xã hội hóa cấp nước, đến nay UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã với phạm vi cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ, đạt trên 94%.

Năm 2018 đã có 04 dự án cấp nguồn hoàn thành bổ sung khoảng 335.000m3/ngày đêm cho Thành phố, đến nay một số dự án phát triển mạng hoàn thành đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 56,5%. Trong năm 2019 này, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 73-75%.

Báo cáo độc lập của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Hội thảo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” hôm 30/5 cho biết mức độ bao phủ của các dịch vụ cấp nước và vệ sinh đang được cải thiện rõ rệt ở vùng nông thôn Việt Nam.

Trong khi trước đó, việc tiếp cận với các công trình cấp nước sạch và công trình phụ hợp vệ sinh ở nông thôn Việt Nam là một trong những khu vực thấp nhất ở Đông Á.

Do đó, theo các chuyên gia môi trường, những kết quả mà Hà Nội đạt được cũng đã góp phần không nhỏ vào sự cải thiện thiện trên cũng như trong phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam tới đây.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".