Nữ 8X Việt chế tạo 'trái tim' vệ tinh

Nguyễn Thị Thảo (bên phải) chụp ảnh tại Nhật Bản, nơi chị theo học thạc sỹ công nghệ vũ trụ từ 2013-2015. Ảnh: NVCC.
Nguyễn Thị Thảo (bên phải) chụp ảnh tại Nhật Bản, nơi chị theo học thạc sỹ công nghệ vũ trụ từ 2013-2015. Ảnh: NVCC.
TP - Dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh Micro Dragon lên vũ trụ. Ít ai biết, người chế tạo camera - được coi là trái tim của vệ tinh là một nữ nhà khoa học, chị Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1988), cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Cả tháng không ngủ khi chế tạo vệ tinh

Thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cử 36 cán bộ sang học tập tại các trường đại học của Nhật Bản. Nguyễn Thị Thảo là nữ duy nhất trong số 11 cán bộ được cử sang học đợt đầu tiên. Chị cùng một đồng nghiệp theo học tại Trường Đại học Hokkaido của Nhật. Các cán bộ còn lại học ở những trường khác nhau trên nước Nhật.

Bên cạnh việc học thạc sỹ, các cán bộ của Trung tâm còn tham gia chế tạo vệ tinh Micro Dragon dưới sự hướng dẫn của GS Nhật Bản, nhằm từng bước tiến tới làm chủ ngành công nghệ vũ trụ.

Micro Dragon là vệ tinh quan sát trái đất, có trọng lượng 50kg, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Tham gia vào dự án chế tạo vệ tinh Micro Dragon, chị Thảo cùng một đồng nghiệp được giao nhiệm vụ quan trọng: thiết kế khối nhiệm vụ của vệ tinh. Chị Thảo kể, công nghệ vũ trụ là ngành quá mới mẻ ở Việt Nam, rất ít tài liệu, sách báo tiếng Việt. Chị cũng như các đồng nghiệp đều rất bỡ ngỡ, phải tìm tòi, tham khảo rất nhiều tài liệu tiếng Anh.

Để làm công việc thiết kế khối nhiệm vụ cho vệ tinh, chị Thảo phải tự nghiên cứu báo, tài liệu, liên hệ với các bạn ở Nhật, Việt Nam để tìm hiểu về dữ liệu vệ tinh họ đang sử dụng. Từ nhu cầu thực tế kết hợp với điều kiện của Việt Nam, chị Thảo và đồng nghiệp của mình xác định được khối nhiệm vụ của vệ tinh Micro Dragon. Trên cơ sở đó xác định loại camera phù hợp với yêu cầu, thiết kế thông số cho camera như độ phân giải bao nhiêu, điều kiển như thế nào. Micro Dragon là vệ tinh quang học quan sát trái đất, vì thế, camera được ví như linh hồn, trái tim của vệ tinh.

Để tham gia chế tạo vệ tinh, chị Thảo thường xuyên phải làm việc ở phòng thí nghiệm đến 22, 23h đêm, thi thoảng đến 2-3h sáng. Thời điểm gấp rút chị phải làm việc ở phòng thí nghiệm đến 3-4h sáng, có khi cả tháng không ngủ. Ngày cao điểm có thể phải làm việc đến 16 tiếng. “Mình thiệt hơn tụi con trai ở chỗ, các bạn ấy làm xong có thể ngủ ngay tại phòng thí nghiệm, mình là nữ duy nhất nên dù muộn đến mấy cũng phải về phòng trọ”, chị Thảo kể. Có những đêm mưa tuyết, lạnh âm mấy độ, chị Thảo vẫn phải vượt mưa, vượt cái lạnh cắt da thịt giữa đêm để về nhà ngủ, lấy sức mai chiến đấu tiếp. Ban đầu chị Thảo ở cách phòng thí nghiệm 4 cây số, sau phải chuyển về gần hơn để tiện học tập, nghiên cứu.

Chị Thảo kể thêm, thời tiết ở Hokkaido, nơi chị theo học rất lạnh. Mỗi năm 6 tháng tuyết rơi. Bên cạnh vất vả của công việc học tập, nghiên cứu, chị Thảo còn gặp nhiều khó khăn. “Mình thường xuyên bị đau nửa người, đi khám nhiều lần. Để có sức khỏe theo đuổi công việc, mình phải tập thể dục, đi bộ suốt. Ở Nhật cũng không nói nhiều tiếng Anh nên mình phải học thêm tiếng Nhật để giao tiếp hàng ngày”. Chị Thảo kể thêm, thời gian đầu, mong muốn được làm việc nhiều, chị thường xuyên năn nỉ thầy giáo cho thực hành trên phòng thí nghiệm nhưng lúc đầu thầy chỉ cho… rửa vật liệu.

Những cố gắng của chị Thảo và đồng nghiệp mang lại những kết quả đầu tiên. Vệ tinh Micro Dragon đã hoàn thành và thử nghiệm thành công, đang được Cơ quan chức năng Nhật Bản đang xem xét để cấp giấy phép an toàn cho vệ tinh Micro Dragon. Sau khi được cấp phép, tên lửa Epsilon (Nhật Bản) do công ty IHI Aerospace chế tạo sẽ mang theo vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam lên quỹ đạo, dự kiến vào cuối năm nay.

Sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất. Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell). Đây là khối nhiệm vụ của vệ tinh, đã được chị Thảo và các đồng nghiệp xây dựng lên.

Vì đam mê vũ trụ nên vẫn “phòng không”

Chia sẻ về con đường đến với ngành công nghệ vũ trụ-một ngành công nghệ rất mới mẻ của Việt Nam, Thảo kể, từ nhỏ thích ngắm mây, quan sát trăng sao, học thiên văn, đặc biệt yêu thích môn vật lý. Tốt nghiệp phổ thông, chị thi vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị làm luận văn thạc sỹ về vệ tinh Vinasat-1, vệ tinh địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam, được phóng lên vũ trụ vào 2008. Từ đó, hướng theo con đường công nghệ vũ trụ, dù bạn bè nữ không ai theo.

Năm 2012 chị vào làm việc tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nay là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Trải qua đợt thi đầu vào tại Trường Đại học Hokkaido với kết quả ấn tượng, Thảo trở thành nữ cán bộ đầu tiên theo học ngành công nghệ vũ trụ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và có lẽ cũng là nữ nhà khoa học hiếm hoi của ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hokkaido, Thảo tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu vũ trụ của mình tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chị tham gia vào quá trình xử lý dữ liệu từ vệ tinh Pico Dragon, một vệ sinh siêu nhỏ do các kỹ sư Việt Nam chế tạo và được phóng lên vũ trụ. Chị cũng tham gia vào nhiều công việc khác như quan sát thiên văn.

Thảo chia sẻ, bố mẹ chị (ở Chương Mỹ, Hà Nội) rất ủng hộ con gái theo đuổi đam mê của riêng mình dù không ít lo lắng về chuyện chồng con của mình. “Giờ thì mình ế thật rồi”, nữ nhà khoa học cười, nói.

“Mình thiệt hơn tụi con trai ở chỗ, các bạn ấy làm xong có thể ngủ ngay tại phòng thí nghiệm, mình là nữ duy nhất nên dù muộn đến mấy cũng phải về phòng trọ”

                 Nhà khoa học công nghệ vũ trụ Nguyễn Thị Thảo

MỚI - NÓNG