Nuôi heo, gà không cần dọn chuồng

Nuôi heo trên đệm lót sinh học ở TX Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Hải
Nuôi heo trên đệm lót sinh học ở TX Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Hải
TP - Không cần dọn phân, rửa chuồng nhưng không có mùi hôi, khí độc và heo, gà lớn nhanh. Đó là công nghệ nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học đang được ứng dụng ở ĐBSCL.

Đệm lót sinh học làm bằng mùn cưa (70%) và trấu (30%) trộn với chế phẩm vi sinh Balasa N01. Có thể thay mùn cưa bằng bã mía. Đệm lót sinh học rải trên nền chuồng bằng đất, nếu sử dụng nền chuồng cũ bằng xi măng thì phải đục nhiều lỗ rộng để thoát nước. Đệm lót sinh học rải 2-3 ngày là thả heo, gà vào nuôi.

  

Cán bộ của Trạm Khuyến nông TX Tân Châu, tỉnh An Giang, anh Hứa Long Sơn, cho biết đệm lót sinh học cứ khoảng 2m2 nuôi một con heo là tốt nhất. Theo anh Sơn, nuôi heo trên đệm lót sinh học tiết kiệm được 60% công chăm sóc, 60 - 80% chi phí điện, nước. Do đệm lót sinh học chứa hệ vi sinh có lợi nên khả năng tiêu hóa thức ăn của heo rất tốt. Thịt heo ngon hơn so với nuôi trên nền xi măng.

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Lư Xuân Hội, nói: “So với nuôi trên nền xi măng, heo nuôi trên đệm lót sinh học tăng trọng nhanh hơn 19%, giảm lượng thức ăn được 12%. Tổng chi phí đầu vào giảm 13%”. 

Anh Nguyễn Thanh Lâm ở ấp 3, xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) dùng đệm sinh học nuôi gà từ năm 2010. Anh kể: “Trước đây nuôi theo kiểu truyền thống, không dùng đệm lót sinh học thì phải quét dọn phân gà hằng ngày, thay chất độn thường xuyên nhưng vẫn rất hôi hám, nhiều ruồi nhặng. Sức khỏe gia đình bị ảnh hưởng và còn ảnh hưởng tới hàng xóm”.   

Từ ngày sử dụng đệm lót sinh học, vấn đề môi trường đã được giải quyết, hiệu quả kinh tế tăng. Theo anh Lâm, phân gà phân hủy tại chuồng, giảm mùi hôi, ít ruồi muỗi. Hai loại bệnh chính của gà là bệnh đường tiêu hóa và hô hấp cũng giảm đáng kể. Lớp đệm lót giúp giữ ấm gà vào mùa mưa và làm mát vào mùa khô nên gà sạch, lông mượt, tỷ lệ hao hụt giảm khoảng 5%, chi phí thức ăn cũng giảm gần 10%, gà lớn nhanh.

Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp, đệm lót sinh học chứa các vi sinh vật có lợi cho gia súc và gia cầm nên đã ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Hệ thống chuồng nuôi theo phương pháp này khá đơn giản, đỡ tốn công chăm sóc nên một lao động có thể nuôi được 800 con heo thịt, chi phí chăn nuôi giảm mạnh. Sau 2-4 năm sử dụng, đệm lót thay ra làm phân bón cho cây trồng rất tốt vì có hàm lượng dinh dưỡng cao. 

Ở tỉnh Hậu Giang, hiện có 14 hộ nuôi gà bằng đệm lót sinh học ở huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh, mỗi hộ nuôi 250-400 con. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang hướng dẫn, rải đệm lót sinh học dày 10 cm, cứ trộn 1 kg chế phẩm sinh học Balasa N01 rải được 30 m2 nền chuồng. 

Tỉnh Hậu Giang đang có chương trình hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học, để trong khoảng 5 năm tới có 1.000 hộ nuôi heo, gà số lượng lớn sử dụng đệm lót sinh học.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.