Phần mềm quản lý dân cư: “Chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí!

Người dân đến UBND phường Bến Thành làm thủ tục hành chính. Ảnh: Văn Minh.
Người dân đến UBND phường Bến Thành làm thủ tục hành chính. Ảnh: Văn Minh.
TP - Là địa phương trong cả nước tiên phong áp dụng công nghệ triển khai mô hình quản lý dân cư bằng phần mềm điện tử thay hộ khẩu, UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức mỗi khi đi sao y, chứng thực,…Thế nhưng phần mềm này lại đang rơi vào cảnh “chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí!

Quá tiện lợi, sao dừng?

Đây là thắc mắc của nhiều hộ dân ở phường Bến Thành khi chúng tôi đề cập việc UBND phường Bến Thành cho dừng mô hình quản lý dân cư bằng phần mềm điện tử trong thời gian qua.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi phường không còn triển khai thực hiện. Bà Vương Ánh Tuyết (ngụ hẻm 113 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) kể: “Khoảng năm 2010, cán bộ phường có đến từng nhà dân để chụp, scan các loại giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng cấp,… Đến khoảng đầu năm 2011, địa phương triển khai cho người dân sử dụng phần mềm quản lý dân cư. Tuy nhiên gần 2 năm nay thì không thấy chính quyền địa phương áp dụng phần mềm này nữa”- bà Tuyết nói trong tiếc nuối.

Theo bà Tuyết phần mềm này giúp người dân thuận tiện rất nhiều trong việc chứng thực giấy tờ, sao y. Dẫn chứng từ bà Tuyết cho thấy, không kể ngày hay đêm, chỉ cần ngồi nhà với vài thao tác click chuột là gửi lên UBND phường những thủ tục mình cần làm. “Khi nào cán bộ phường xử lý xong thì mình đến nhận về thôi”, bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, thời buổi công nghệ 4.0 nên chính quyền địa phương cần phải quản lý theo cách thông minh nhất, làm sao để người dân được hưởng lợi nhất. “Hồi trước nếu muốn đi đăng ký các thủ tục hành chính hoặc đi công chứng sao y, tui phải cất công lục lại các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ hồng… Thậm chí những trường hợp cần trích lục lại sổ cũ, tui phải lên công an trích lục lại rất mất thời gian”, bà Tuyết chia sẻ.

Có mặt tại UBND phường Bến Thành, bà Tư (khu phố 6, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) cho biết, bà thường lên đây chơi và gặp gỡ lãnh đạo phường và cũng hay góp ý với lãnh đạo nơi đây.

Thấy chúng tôi bất ngờ với việc này, bà Tư liền nói: “Ở phường này bình thường mà, người dân như tụi tui vẫn hay lên phường chơi. Lãnh đạo ở phường này gần gũi với dân mà. Có việc gì thắc mắc người dân liền lên phường gõ cửa phòng lãnh đạo ngay”, bà Tư giải thích.

Nói đến mô hình quản lý cư dân mà phường đi tiên phong, bà Tư cho biết: “Tui thích cái mô hình này. Nó vừa hiện đại, vừa tiện lợi cho người dân”.

Theo bà Tư, phần mềm quản lý dân cư của phường có nhiều phân hệ như phân hệ sao y, phân hệ quản lý dân số kế hoạch hóa gia đình, giáo dục,… Người dân có nhu cầu làm giấy tờ ở lĩnh vực nào thì vào phân hệ đó mà làm trên phần mềm rồi gửi đến phường để họ xử lý.

“Tui thường sử dụng phân hệ sao y các loại giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân,…thì chỉ cần vào phần mềm đăng ký. Đến ngày hẹn có kết quả thì đến phường nhận lại thôi. Không cần mang những giấy tờ gốc đến đối chứng”, bà Tư nói.

Phần mềm quản lý dân cư: “Chết lâm sàng” vì thiếu kinh phí! ảnh 1 Bà Tư góp ý trực tiếp với ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành về phần mềm quản lý dân cư dừng hoạt động. Ảnh: Đình Du.

Ngoài những tiện ích cho người dân như tiết kiệm được công sức, thời gian đi lại khi thực hiện các thủ tục trên, bà Tư vẫn còn chút phàn nàn về con người thực hiện phần mềm, đôi khi chậm và rườm rà. Có mặt tại buổi trò chuyện, ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành nói: “Chị Tư thông cảm chuyện này phường cũng cố gắng phải bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ sử dụng thành tạo phần mềm này để phục vụ tốt hơn mà”.

Đáp lại bà Tư cho biết, dù gì vẫn ưng ý cái phần mềm quản lý dân cư này nhưng bà thấy tiếc nuối vì hơn 1 năm nay không thấy phường áp dụng nữa. “Giờ đây người dân quay trở lại cách thức truyền thống rất mất công, mất thời gian. Tôi mong phường sớm triển khai thực hiện lại và tốt hơn cho người dân được nhờ. Cái gì tiện lợi cho người dân thì làm chứ sao lại dừng?”, bà Tư thắc mắc.

Thiếu kinh phí!

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành thừa nhận, mô hình này đã dừng hồi năm 2016 do thiếu kinh phí sửa chữa và phí duy trì vận hành quá cao, kinh phí Nhà nước không đủ.

Cũng tỏ ra tiếc nuối khi phần mềm dừng hoạt động, ông Vinh kể hồi năm 2010, lãnh đạo và cán bộ phường tiên phong trong mô hình này nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, giúp người dân không mất thời gian, công sức đi lại mỗi khi làm giấy tờ.

Theo ông Vinh, hiện nay phần mềm đang bị trục trặc nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Lúc trước phường có thuê một kỹ sư công nghệ để vận hành phần mềm tuy nhiên do mức lương thấp nên người này bỏ việc. Phường cũng đã liên hệ với các công ty công nghệ thì được báo giá phải tốn gần 300 triệu đồng để sửa chữa trong khi số tiền này quá lớn với địa phương.

“Với mong muốn được tiếp tục phục vụ người dân tốt hơn bằng phần mềm quản lý dân cư này, phường cũng đã đề nghị cấp trên xem xét cấp kinh phí để sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, ông Vinh nói.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, không vì thế mà địa phương bỏ cuộc. Vì khi phần mềm dừng hoạt động, bà con có lên phường thắc mắc hỏi lý do nên thời gian sắp tới, phường sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn có thể từ xã hội hóa để sửa chữa phần mềm hoạt động, nâng cấp lên phục vụ dân tốt hơn.

Cũng là địa phương đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính bằng công nghệ, UBND phường Đa Kao (quận 1, TPHCM) từ hơn năm nay đã triển khai dịch vụ công trực tuyến trên website của phường. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1, TPHCM) cho biết, hiện phường đang triển khai các dịch vụ công trực tuyến như Tư pháp – Hộ tịch, Địa chính – Xây dựng, Lao động-Thương binh & Xã hội,…để giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức khi trực tiếp đến phường làm. Người dân chỉ cần ngồi nhà thực hiện các bước theo hướng dẫn và chờ đến ngày có kết quả là đến nhận.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.