Phó Thủ tướng: Cần minh bạch quá trình nghiên cứu khoa học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hai nhà khoa học nhận giải năm nay. Ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hai nhà khoa học nhận giải năm nay. Ảnh: TTXVN.
TP - Tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu sáng 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu cần minh bạch hóa thông tin nghiên cứu khoa học. Đề tài tốt sẽ được chia sẻ, ứng dụng.

Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện còn khó khăn về cơ chế chính sách cũng như quan niệm xã hội, những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học là rất đáng ghi nhận, như số lượng công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí ISI giai đoạn 2011-2016 tăng gần 20%. Hay theo số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy, số bằng sáng chế được cấp của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng liên tục từ 53 (năm 2011) lên đến 88 (năm 2015).

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, so sánh với các nước trong khu vực, số lượng bài báo khoa học của Việt Nam trên các tạp chí ISI chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 Malaysia và 1/5 Singapore. Số lượng bằng sáng chế được cấp của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/30 Singapore, 1/1.240 Hàn Quốc và bằng 1/3170 Trung Quốc.

Để vươn lên, nhất là trong thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học phải được quan tâm và trở thành động lực. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, chúng ta có trăn trở, day dứt không? Để cải thiện nhưng con số này, không chỉ Bộ KH&CN hay Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vào cuộc mà cần nhiều giải pháp đồng bộ từ thể chế tới các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư.  Phải làm sao để nguồn lực đầu tư cho KH&CN, dù rất ít, chỉ khoảng 15.000 -16.000 tỷ đồng nhưng vẫn hiệu quả.

Theo Phó thủ tướng, muốn làm được điều đó, cần công khai minh bạch quá trình nghiên cứu khoa học ở tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài, quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả. Việc công khai có ý nghĩa rất quan trọng, nếu đề tài tốt sẽ được chia sẻ trong cộng đồng xã hội, trong doanh nghiệp để ứng dụng và không phải nghiên cứu lại. Những đề tài không tốt, không thiết thực, không chất lượng sẽ bị nhìn nhận, đánh giá.

Ngoài ra, cần khuyến khích các trường ĐH, sinh viên trẻ, vừa tốt nghiệp cũng như tạo môi trường, hỗ trợ cần thiết để sẵn sàng hiến thân cho khoa học, khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức chung về khoa học, không chỉ các nhà khoa học, nhà quản lý mà cả những người nông dân cũng được trang bị kiến thức về KH&CN. Làm được điều này, người dân Việt Nam sẽ có được cuộc sống khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công việc của họ cũng thực hiện hiệu quả hơn.

Tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng cũng cho biết, ông vừa phê duyệt Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa. Việt Nam sẽ huy động cộng đồng khoa học, các bạn trẻ yêu khoa học cùng hệ thống hóa các thành tựu khoa học và công nghệ của nhân loại và Việt Nam. Đồng thời, chương trình này cũng khuyến khích các bạn trẻ viết các ứng dụng nhằm khai thác kho tàng dữ liệu đó phục vụ cho yêu cầu thiết thực của mọi người.

Lần đầu tiên hai nhà khoa học ngoài Hà Nội nhận giải Tạ Quang Bửu

Lần đầu tiên kể từ khi tổ chức, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho hai nhà khoa học không ở Hà Nội gồm PGS.TS Nguyễn Sum, Trường Đại học Quy Nhơn và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được vinh danh nhờ công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật. PGS.TS Nguyễn Sum được vinh danh nhờ công trình toán học  Nguyễn Sum, 2015. On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432–489, được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới. Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số.

MỚI - NÓNG