Sao chổi sáng nhất năm 2018 sẽ tiến gần Trái Đất vào cuối tuần này

Sao chổi 46P/Wirtanen sẽ cách Trái Đất 11,2 triệu km vào ngày 16/12. Ảnh: Errastro.
Sao chổi 46P/Wirtanen sẽ cách Trái Đất 11,2 triệu km vào ngày 16/12. Ảnh: Errastro.
Bầu trời đêm sẽ trở nên sống động vào cuối tuần này khi một sao chổi màu xanh lá cây quệt qua Trái Đất, cùng tạo nên màn trình diễn với mưa sao băng Geminids.

Sao chổi 46P/Wirtanen sẽ tiếp cận gần Trái Đất nhất vào ngày 16/12 và có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Sao chổi sẽ tiến gần Trái Đất ở khoảng cách 11,2 triệu km, cự ly này sẽ không lặp lại trong 20 năm tới.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sao chổi sẽ sáng nhất vào ngày 16/12. Tuy nhiên, ngay hiện tại, nó đã là sao chổi sáng nhất trên bầu trời đêm và sáng nhất năm 2018.

Khoa thiên văn học của Đại học Maryland cho biết Sao chổi 46P sẽ là sao chổi gần thứ 10 kể từ năm 1950 bởi rất ít sao chổi đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. 

"Sao chổi Giáng sinh" xuất hiện trên bầu trời 5 năm một lần khi nó quay quanh Mặt Trời. Nó gần Mặt Trời nhất vào ngày 12/12. Sao chổi được đặt theo tên Carl Wirtanen, một trợ lý quan sát cao cấp tại Đài quan sát Lick của California, người lần đầu tiên quan sát thấy nó vào năm 1948.

"Hãy nhìn về phía đông với một cặp ống nhòm nhỏ hoặc kính viễn vọng để thấy sao chổi màu xanh lá cây mờ. Nó sẽ ở gần chòm sao Orion", ông Brad Tucker từ Trường nghiên cứu Thiên văn và Vật lý thiên văn của Đại học Quốc gia Australia nói.

Theo CNN, dù Sao chổi 46P/Wirtanen có đường kính chỉ khoảng 1,2 km nhưng phần không khí bao quanh nó, hay đầu sao chổi, lại lớn hơn cả Sao Mộc. Khi đi qua Mặt Trời, sao chổi băng giá này sẽ tan chảy phần nào và tạo thành đám mây xanh phát sáng.

Người quan sát cần chọn khu vực ít bị ô nhiễm ánh sáng và có thể nhìn lên bầu trời bất cứ lúc nào từ hoàng hôn đến khi Mặt Trời mọc để theo dõi mưa sao băng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG