Sạt lở ở Quảng Nam nghiêm trọng nhất trong nhiều năm

Người dân tháo chạy khi xảy ra sạt lở. Ảnh: H. Văn
Người dân tháo chạy khi xảy ra sạt lở. Ảnh: H. Văn
TP - Chỉ trong vòng nửa tháng, tại Quảng Nam xảy ra gần 10 vụ sạt lở, 35 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, nhiều ngôi làng bị san phẳng.

Cá biệt trong một ngày (28/10) có 3 vụ sạt lở gây thiệt hại lớn về người: sạt lở ở Trà Vân (8 người chết), Trà Leng (23 người chết và mất tích); tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (13 người chết và mất tích). Đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy.

Hơn 20 năm trước, ông Hồ Văn Đề dẫn những người đồng bào Giẻ Triêng về lập thành nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, Nam Trà My). Ngôi làng với 15 nóc nhà, 56 người sống trong yên bình bỗng xảy ra thảm họa. Đó là buổi chiều 28/10, trong lúc trời đang mưa lớn thì nửa quả núi đổ sập, 22 người chết và mất tích, trong đó có bí thư Đảng ủy xã, con rể ông Đề.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhận định, đây là vụ sạt lở kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề nhất trong 30 năm nay. Trước đây rất ít khi xảy ra sạt lở, có chăng chỉ sạt nhỏ ở các rẻo đồi không nguy hiểm. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác, sạt lở ngoài sức tưởng tượng. Khu vực xảy ra sạt lở như nóc Ông Đề (Trà Leng), Trà Vân đều không nằm trong vùng được cảnh báo nguy hiểm.

Theo lãnh đạo địa phương, sở dĩ dẫn tới những sạt lở kinh hoàng như hiện nay là do tác động thô bạo của con người, như việc xây dựng công trình, tình trạng phá rừng... “Không mở đường không được mà mở đường thì tác động đến kết cấu của đất, xảy ra trượt, sạt lở. Hơn nữa tác động của con người vào rừng quá nhiều, rừng không còn tầng phủ để chống xói mòn. Trồng keo là một trong những nguyên nhân rất lớn gây nên sạt lở”, ông Mẫn nói.

Sạt lở ở Quảng Nam nghiêm trọng nhất trong nhiều năm ảnh 1 Sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng Ảnh: Văn Chương
“Không chỉ Trà Vân, Trà Leng, tại huyện Nam Trà My hiện có 15 điểm được dự báo nguy cơ sạt lở cao. Chúng tôi đang kiến nghị với tỉnh tới đây cần phải ưu tiên cho việc sắp xếp dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân”, lãnh đạo huyện Nam Trà My thông tin.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từng là Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhận định sạt lở là sự bất thường. Tỉnh Quảng Nam đã mời các chuyên gia làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên từ góc nhìn thực tế, ông Bửu cho rằng, một trong những nguyên nhân gây nên thảm họa sạt lở là do mất rừng. “Rừng bị đốt đi để trồng keo. Trong khi đó mưa quá lớn. Đốt rừng để trồng keo gây nghèo đất,  sau một thời gian thì xảy ra xói lở”, ông Bửu nói.

Thủy điện không phải là nguyên nhân?

Tỉnh Quảng Nam hiện có 46 thủy điện, trong đó 36 thủy điện vừa và nhỏ. Đến nay đã có 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, 8 dự án đang thi công và 16 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Sau khi các vụ sạt lở núi liên tiếp xảy ra, có người đặt vấn đề phải chăng thủy điện là nguyên nhân. Về điều này, ông Hồ Quang Bửu cho rằng chưa có cơ sở. Thủy điện đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn và cũng có những hệ lụy. Tuy nhiên chưa có cơ sở nào để nói thủy điện là nguyên nhân sạt lở đất vừa qua. Những khu vực xảy ra sạt lở như Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) không có thủy điện.

Cũng theo ông Bửu, một số thủy điện nhỏ trên địa bàn nằm ở lòng sông, suối, không chiếm nhiều diện tích. Ví dụ Trà Linh 3 (Nam Trà My), suối chảy bình thường. Thủy điện này như hứng cái phễu, sử dụng thế năng là chính, không làm hồ chứa.

“Vấn đề thủy điện có tác động hay không, phải có chuyên gia nghiên cứu bài bản. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Nam không có chủ trương phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Không phải từ bây giờ mà từ cách đây 5 năm, không phê duyệt thêm”, ông Hồ Quang Bửu nói.

MỚI - NÓNG