Siêu trăng máu sắp xuất hiện ở Bắc bán cầu

Người dân ở Bắc Mỹ sắp có cơ hội quan sát trọn vẹn siêu trăng máu hiếm gặp trong sự kiện nguyệt thực toàn phần kéo dài nhiều giờ.

Sự kiện nguyệt thực diễn ra hôm nay ở Bắc bán cầu là kết hợp của ba hiện tượng siêu trăng, trăng sói và trăng máu, theo Live Science.  Trăng sói là tên gọi của kỳ trăng tròn đầu tiên vào tháng 1. Từ trăng máu dùng để chỉ màu đỏ nâu của Mặt Trăng trong nguyệt thực. Siêu trăng mô tả kích thước lớn hơn và sáng hơn của Mặt Trăng trên bầu trời do đi qua điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo.

Nguyệt thực kéo dài qua ba pha: nửa tối, một phần và toàn phần. Pha nửa tối sẽ bắt đầu lúc 9h36 sáng ngày 21/1. Trái Đất sẽ nằm ở vị trí giữa Mặt Trời và Mặt Trăng ở thời điểm đó, và Mặt Trăng bắt đầu tiến vào rìa bóng của Trái Đất. Pha này vô cùng mờ và khó quan sát.

Vào lúc 10h34 sáng 21/1, pha một phần của nguyệt thực sẽ bắt đầu. Đây là lúc Mặt Trăng di chuyển vào vùng tối nhất ở bóng của Trái Đất gọi là umbra. Khoảnh khắc này rất dễ nhận biết bởi màu đỏ sẫm sẽ dần dần bao phủ Mặt Trăng.

Cao trào của sự kiện bắt đầu từ 11h41 đến 12h43 sáng 21/1 khi vùng tối nhất ở bóng của Trái Đất hoàn toàn nuốt chửng Mặt Trăng. Vệ tinh tự nhiên của chúng ta sẽ có màu đỏ sẫm do một phần ánh sáng Mặt Trời chiếu qua khí quyển Trái Đất. Khí quyển sẽ phân tán ánh sáng, cho phép nhiều bước sóng màu đỏ đi qua hơn. Ánh sáng chạm tới bề mặt Mặt Trăng, tạo ra hiệu ứng màu đỏ như máu. Nguyệt thực đạt đỉnh vào lúc 12h16 sáng 21/1 khi Mặt Trăng ở chính giữa bóng của Trái Đất.
Siêu trăng máu sắp xuất hiện ở Bắc bán cầu ảnh 1 Mô phỏng siêu trăng máu.
Trong lần nguyệt thực này, Mặt Trăng trông sẽ lớn hơn do đi qua cận điểm, điểm trên quỹ đạo nằm gần Trái Đất nhất ở cách 222.043 km. Vào tháng 2, quỹ đạo của Mặt Trăng sẽ đưa nó tới điểm xa Trái Đất nhất ở cách 406.555 km, gọi là viễn điểm. Theo Bruce Betts, nhà khoa học ở Hiệp hội hành tinh học, Mặt Trăng ở cận điểm trông sẽ lớn hơn 7% và sáng hơn 15% so với thông thường. Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo có thể quan sát từ Trái Đất sẽ diễn ra vào ngày 26/5/2021 và pha toàn phần chỉ kéo dài 15 phút. "Nếu mọi người muốn quan sát nguyệt thực toàn phần, đây là cơ hội tuyệt nhất trong vòng vài năm tới", Paul Hayne, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Colorado, Boulder, chia sẻ. Những khu vực có thể theo dõi nguyệt thực là Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Tây Âu và phần lớn châu Phi.
Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG