Tăng chi phí cho dự án tôn tạo di tích Thành Điện Hải

Công trình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Thành
Công trình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Theo nghị quyết HĐND thành phố Đà Nẵng vừa mới thông qua, để tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 1) sẽ tốn hơn 111 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư phát sinh do chi phí đền bù giải tỏa tăng hơn 30 tỷ đồng và hàng loạt các hạng mục tăng hàng trăm triệu đồng.

Tại kỳ họp thứ 8 (bất thường), HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX vừa diễn ra (19/10), các đại biểu đã biểu quyết thông qua tờ trình của UBND thành phố và HĐND thành phố đã ra nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư tu bổ, phục dựng và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 1).

Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh mức đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích này nhằm trả lại không gian cho di tích, tránh bị xâm lấn, hư hỏng, xuống cấp; bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích; góp phần tạo cảnh quan, hài hòa kiến trúc giữa di tích và khu vực xung quanh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân của việc điều chỉnh, bổ sung mức đầu tư dự án này là do trong quá trình thực hiện dự án đã có điều chỉnh bổ sung một số hạng mục công việc để khớp nối lại hạ tầng kỹ thuật và tăng chi phí đền bù giải tỏa dẫn đến tổng mức đầu tư phát sinh tăng so với ban đầu. Cụ thể, chi phí đền bù, giải tỏa phát sinh do chính sách đền bù , giải tỏa thay đổi dẫn đến kinh phí tăng hơn 30 tỷ đồng.

Tăng chi phí cho dự án tôn tạo di tích Thành Điện Hải ảnh 1 Thành Điện Hải đang được tu bổ, tôn tạo và phục dựng. Đà Nẵng phải bổ sung hơn 30 tỷ đồng vì chi phí đền bù, giải tỏa phát sinh do chính sách đền bù, giải tỏa thay đổi. Ảnh: Nguyễn Thành 

Ngoài ra, hạng mục tường thành, lòng hào, thoát nước, cây xanh tăng hơn 777 triệu đồng, điện chiếu sáng tăng hơn 575 triệu đồng, dọn dẹp mặt bằng khu vực dân cư giải tỏa tăng hơn 789 triệu đồng, lập báo cáo tác động môi trường bổ sung tăng hơn 300 triệu đồng, lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 tăng gần 190 triệu đồng... Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh, bổ sung là hơn 111 tỷ đồng. Nguồn vốn điều chỉnh, bổ sung được lấy từ ngân sách thành phố.

Thành này trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải là biểu tượng của nhân dân Đà Nẵng trong công cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha hơn 160 năm về trước. Nơi đây ghi dấu công cuộc đánh bại các cuộc tấn công của liên quân Pháp – Tây Ban Nha cách đây 160 năm (1858 -1860).

Tuy nhiên, qua 20 năm phát triển “nóng” di tích này đã bị xâm hại nặng nề, nhiều công trình, nhà dân xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích. Trong đó, bảo tàng Đà Nẵng xây dựng ngay bên trong thành, tòa nhà trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng xây dựng trong phạm vi bảo vệ di tích thành Điện Hải...

Tăng chi phí cho dự án tôn tạo di tích Thành Điện Hải ảnh 2 Ngoài chi phí đền bù, hàng loạt chi phí khác cũng được cho là phát sinh trong quá trình xây lắp. Ảnh: Nguyễn Thành

Năm 1988, thành được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhưng vẫn không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn ở cả vùng đệm và vùng lõi.

Từ năm 2016 đến nay, TP đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ di tích như: dừng hẳn dự án xây dựng trung tâm lưu trữ thành phố, vận động 80 hộ dân chuyển nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía tây, quyết định dời bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích...

Hiện nay,Đà Nẵng đang khảo sát, quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó thành Điện Hải được xác định là trung tâm. 

Ngày 29/3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải và khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích (giai đoạn 1).

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.