Quảng Nam:

Thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh

Thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh
TPO - Sông Thanh là Vườn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76.500 ha, trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn. Nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam

Chiều 23/12 UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh.

Thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh ảnh 1 Công bố Quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh, Quảng Nam

Lễ công bố có sự tham dự của đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đơn vị thực hiện Dự án Trường Sơn Xanh của USAID cùng các Sở ban ngành địa phương.

Sông Thanh là Vườn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76.500 ha, trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn – hai huyện miền núi phía Tây thuộc khu vực biên giới Việt-Lào; Phía Nam giáp tỉnh Kon Tum.

VQG Sông Thanh có vị trí đặc biệt quan trọng khi nằm ở điểm kết thúc của dãy Trường Sơn Bắc và là nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn Nam, trên vùng núi thấp và trung bình, địa hình chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn, tạo nên lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn chảy theo hướng Tây-Đông đổ ra biển Đông tại Cửa Đại-Hội An.

Các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.

Việc nâng cấp KBTTN Sông Thanh thành VQG sẽ giúp cho tỉnh Quảng Nam nâng cao được năng lực bảo tồn đa dạng sinh học như tăng cường bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH thuộc lâm phận rừng đặc dụng Sông Thanh và vùng giáp ranh; Đẩy mạnh phục hồi sinh thái rừng, nâng cao ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực; Xây dựng và thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, hoàn thiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, và đẩy mạnh giáo dục môi trường...

MỚI - NÓNG