Thêm giá trị cho Công viên địa chất núi lửa tại Đắk Nông

Phát hiện chấn động về hài cốt người tiền sử trong hang động núi lửa - Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Phát hiện chấn động về hài cốt người tiền sử trong hang động núi lửa - Ảnh: Hoàng Thiên Nga
TP - Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông, gọi tắt là KVG, với 7 điểm di sản địa chất cấp quốc tế, hệ thống hang động và di chỉ khảo cổ độc đáo, hiếm gặp, cùng các di sản phi địa chất phong phú đa dạng, hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO về một Công viên địa chất toàn cầu. 

Đó là nhận định trong báo cáo tóm tắt kết quả đề tài khoa học “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”, được TS La Thế Phúc - Chủ nhiệm đề tài trình bày trong hội nghị chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN VN chủ trì, Sở KHCN tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông chiều ngày 5/9/2018.

Sau 3 năm triển khai đề tài, với hàng chục năm khảo sát thăm dò trước đó, 62 nhà khoa học thuộc nhiều đơn vị của 2 nước Việt-Nhật (Bảo tàng Thiên nhiên VN, Viện Địa chất, Hội Di sản văn hóa VN, Viện KH Địa chất và Khoáng sản, Viện KHXH vùng Tây Nguyên, Viện Địa chất, Viện Địa chất vật lý Biển, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Hội Hang động núi lửa Nhật bản) đã thống nhất đánh giá: KVG đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của UNESCO về di sản địa chất và phi địa chất. 

Cụ thể, UNESCO yêu cầu Công viên địa chất toàn cầu phải có ít nhất 40 điểm di sản địa chất (DSĐC), trong đó ít nhất 1 DSĐC có giá trị nổi trội mang tầm cỡ quốc tế. Còn KVG hiện đã có hồ sơ 55 điểm DSĐC, trong đó có tới 7 điểm DSĐC cấp quốc tế; Đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa và di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa có tính độc đáo và hiếm gặp trong khu vực cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, các di sản phi địa chất như Di sản văn hóa và Đa dạng sinh học trong KVG cũng rất giá trị, đáp ứng tốt các yêu cầu của UNESCO. 

Tại hội nghị, TS La Thế Phúc cho biết các kết quả khai quật đợt 1 của đề tài KHCN cấp nhà nước, mã số TN17/T06 thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, đã được tích hợp vào bộ hồ sơ khoa học để trình UNESCO thẩm định công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho KVG. Trong số nhiều hiện vật khai quật được có bộ cốt táng trong tư thế ngồi bó gối, đoàn nghiên cứu khai quật được dưới độ sâu hơn 1 mét trong lòng hang C6-1, được đại diện báo Tiền Phong liên hệ giúp chuyển vali chứa hài cốt đã khuôn thạch cao lên máy bay từ sân bay Buôn Ma Thuột ra Hà Nội hồi tháng 4/2018, sau đó được các nhà khoa học xác định là hài cốt của một người tiền sử 4 tuổi, là hiện vật đặc biệt quý giá cho việc mở ra triển vọng tốt đẹp để tìm hiểu về đời sống của người tiền sử trên cao nguyên basalt.

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, một trong những người trực tiếp đào thám sát và khai quật lúc bấy giờ, TS Lê Xuân Hưng (Trưởng bộ môn “Khảo cổ học - Dân tộc học”, trường Đại học Đà Lạt) đã khẳng định: Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ Việt Nam phát hiện các dấu vết của con người thời tiền sử trong hang động núi lửa, trầm tích được bảo tồn nhờ môi trường hang động. Từ phát hiện này, sẽ có thể phục dựng tại đây một cây niên đại trên dưới 10 nghìn năm, kéo dài đến giai đoạn kim khí, phục dựng thảm động thực vật thông qua các di vật như xương thú, ốc, hến, rùa, phấn hoa; phục dựng cổ môi trường qua phân tích từ cảm sẽ chỉ ra được thành phần nhân chủng, là bài toán xưa nay chưa có câu trả lời.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, ông Trương Thanh Tùng- Phó chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các nhà khoa học đã triển khai đề tài công phu, cẩn trọng, tâm huyết, tích cực giúp tỉnh xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh, có đủ căn cứ và dữ liệu xây dựng quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực KVG. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các bước đệ trình để UNESCO xem xét, công nhận KVG là Công viên địa chất toàn cầu, tạo đà cho tỉnh phát triển mạnh về du lịch, văn hóa, kinh tế. 

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, một trong những người trực tiếp đào thám sát và khai quật lúc bấy giờ, TS Lê Xuân Hưng (Trưởng bộ môn “Khảo cổ học - Dân tộc học”, trường Đại học Đà Lạt) đã khẳng định: Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ Việt Nam phát hiện các dấu vết của con người thời tiền sử trong hang động núi lửa, trầm tích được bảo tồn nhờ môi trường hang động. Từ phát hiện này, sẽ có thể phục dựng tại đây một cây niên đại trên dưới 10 nghìn năm, kéo dài đến giai đoạn kim khí, phục dựng thảm động thực vật thông qua các di vật như xương thú, ốc, hến, rùa, phấn hoa; phục dựng cổ môi trường qua phân tích từ cảm sẽ chỉ ra được thành phần nhân chủng, là bài toán xưa nay chưa có câu trả lời.

MỚI - NÓNG