Triệu phú Nga đổ tiền tạo người bất tử

Ông Erik Sorto điều khiển cánh tay máy bằng ý nghĩ. Ảnh: Caltech
Ông Erik Sorto điều khiển cánh tay máy bằng ý nghĩ. Ảnh: Caltech
TP - Triệu phú Nga Dmitry Itskov, người sáng lập hãng truyền thông trực tuyến New Media Stars, đang mạnh tay rót tiền cho các nhà khoa học thực hiện “Sáng kiến 2045” với mục tiêu giúp con người sống mãi như robot.

Ông Itskov, 35 tuổi, đã đầu tư hàng triệu đô la Mỹ, cho nhóm nhà thần kinh học, chế tạo robot và nghiên cứu ý thức hàng đầu thế giới để họ có thể phát triển một hệ thống cho phép kết nối não người, rồi sau đó là não nhân tạo với máy tính.

“Nếu không có công nghệ bất tử, tôi sẽ chết trong vòng 35 năm tới. Tôi hoàn toàn tin rằng, con người sẽ bất tử nhờ công nghệ cao (kết nối bộ não với máy tính)”, ông nói. Dự án “Sáng kiến 2045” nhằm lưu trữ suy nghĩ, cảm giác của một người trong robot vì họ tin rằng, não bộ hoạt động giống như máy tính.

Các chuyên gia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi thử nghiệm trên một người đàn ông Mỹ tên là Erik Sorto. Năm 21 tuổi, Sorto bị bắn vào lưng và lập tức bị liệt từ cổ trở xuống. Gần đây, khi Sorto 35 tuổi, các chuyên gia cấy một con chip siêu nhỏ vào não Sorto rồi kết nối với máy tính để giải mã xem ông nghĩ gì.

Trong một thí nghiệm, Sorto có ý nghĩ là chuyển động cánh tay, máy tính ghi lại các hoạt động của neuron thần kinh. Và nhờ sự giúp sức của một cánh tay máy điều khiển bằng ý nghĩ, lần đầu tiên trong 13 năm, ông đã cầm được cốc bia đưa lên miệng. Mỹ đang thực hiện một dự án tên là “Sáng kiến BRAIN” với mức đầu tư 6 tỷ USD nhằm hỗ trợ việc phát triển, ứng dụng các công nghệ mới giúp hiểu rõ cơ chế hoạt động của não người.

Mục tiêu chính của “Sáng kiến 2045” là tạo ra các công nghệ cho phép chuyển trí tuệ, cảm giác của một cá nhân tới một cơ thể phi sinh học (ví dụ người máy) và kéo dài sự sống của cá nhân đó, có thể tới độ bất tử. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, tạo ra một hiện thân (một cơ thể nhân tạo trông giống người) do giao diện “não người-máy tính” điều khiển, đến năm 2025, tạo ra một hệ thống hỗ trợ sự sống độc lập để nuôi não người kết nối với robot, đến năm 2035, tạo ra mô hình máy tính về não bộ và ý thức con người để chuyển nó vào cơ thể nhân tạo và đến năm 2045, tạo ra cơ thể dạng holography (hình ảnh 3 chiều trong mặt phẳng 2 chiều).

Nhiều nhà khoa học cho rằng, các rào cản về khoa học-công nghệ có thể dần dần được dỡ bỏ để cuối cùng tạo ra được con người bất tử, nhưng còn đó vấn đề về đạo đức.

“Nếu bạn có thể tái tạo trí óc và tải lên một vật liệu khác, thì về nguyên tắc, bạn cũng có thể tạo ra các bản sao của trí óc. Đây là các vấn đề phức tạp vì chúng liên quan việc xác định một con người”, giáo sư thần kinh học Rafael Yuste công tác tại ĐH Columbia (Mỹ) nói. Nhưng ông Itskov cho rằng, người ta có thể làm mọi thứ nếu động cơ của họ là giúp đỡ con người.

Theo Theo BBC, Guardian, Daily Mail
MỚI - NÓNG