Trung Quốc tiến gần tham vọng chinh phục Mặt trăng

Bức ảnh chụp cận cảnh bề mặt nửa kia của Mặt trăng mà tàu Hằng Nga-4 gửi về Ảnh: Tân Hoa Xã
Bức ảnh chụp cận cảnh bề mặt nửa kia của Mặt trăng mà tàu Hằng Nga-4 gửi về Ảnh: Tân Hoa Xã
TP - Trung Quốc vừa đạt được dấu mốc mới trong chương trình chinh phục vũ trụ với việc tàu thăm dò của nước này hạ cánh thành công xuống nửa tối của Mặt trăng, điều mà các cường quốc vũ trụ khác chưa từng làm. 

Chuyến hạ cánh thành công tàu thăm dò Hằng Nga-4 là một trong hàng loạt sứ mệnh nhằm hiện thực hóa tham vọng tham gia, thậm chí dẫn đầu của Trung Quốc, trong cuộc đua chinh phục vũ trụ.

Trung Quốc đưa một tàu thăm dò lên Mặt trăng vào năm 2013, trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Liên Xô đưa robot lên Mặt trăng thành công, nhưng Hằng Nga-4 là tàu thăm dò đầu tiên đáp xuống nửa không bao giờ nhìn thấy từ Trái đất của Mặt trăng. 

Sứ mệnh này “đã mở ra một chương mới trong lịch sử khám phá Mặt trăng của loài người”, theo tuyên bố của Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc. Tàu thăm dò đã gửi về Trái đất hình ảnh cận cảnh đầu tiên chụp bề mặt Mặt trăng thông qua vệ tinh chuyển tiếp Quế Kiều, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

 “Chuyến thám hiểm lần này cho thấy Trung Quốc đã đạt tới đẳng cấp thế giới trong công cuộc khám phá vũ trụ sâu thẳm. Người Trung Quốc chúng tôi đã làm được điều mà người Mỹ chưa dám thử”, New York Times dẫn lời GS Zhu Menghua, công tác tại ĐH Khoa học Công nghệ Macau và là người hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ Trung Quốc. 

Dù Mặt trăng không phải nơi quá bí ẩn sau nhiều thập kỷ con người nỗ lực khám phá, chuyến hạ cánh vừa qua của tàu thăm dò Trung Quốc không chỉ hữu ích cho tuyên truyền, các chuyên gia đánh giá. 

Nơi Hằng Nga-4 đáp xuống là miệng núi lửa cổ nhất và sâu nhất trên Mặt trăng, vì thế những phát hiện của tàu thăm dò này có thể giúp hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt trăng. Và một số nhà khoa học cho rằng vùng lòng chảo này có thể rất giàu khoáng sản. Nếu khai thác tài nguyên trên Mặt trăng là bước tiếp theo trong nỗ lực chinh phục vũ trụ, một sứ mệnh khám phá thành công có thể giúp Trung Quốc định vị tốt hơn. 

“Đây là một thành công lớn về kỹ thuật và tính biểu tượng”, bà Namrata Goswami, một nhà phân tích độc lập hay viết bài về vũ trụ cho Viện nghiên cứu Minerva thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá. Chuyên gia này cho rằng mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là biến Mặt trăng làm thuộc địa và dùng nó như một nguồn cung cấp tài nguyên khổng lồ. 

TS Goswami nói rằng miệng núi lửa nơi tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống có thể trở thành một căn cứ tái nạp nhiên liệu để phục vụ các chuyến tàu thăm dò vào sâu hơn trong vũ trụ trong tương lai. 

Tàu Hằng Nga-4 được phóng đi từ bệ phóng Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, vào sáng 8/12/2018 và đi vào quỹ đạo của Mặt trăng 22 ngày sau đó. 

MỚI - NÓNG