Vì sao hơn 4.000 cây đào phai ở Ninh Bình “chết như ngả rạ”?

Hàng nghìn gốc đào phai ở Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) chết sau trận mưa lụt lịch sử hồi tháng 10.
Hàng nghìn gốc đào phai ở Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) chết sau trận mưa lụt lịch sử hồi tháng 10.
Từ giữa tháng 10 đến nay, hơn 4.000 gốc đào phai của nông dân xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) thay nhau vàng lá, héo rũ rồi… chết khô. Số đào này dự kiến cho thu hoạch Tết năm nay bỗng “chết dần chết mòn” khiến nông dân khóc ròng.

Chúng tôi có mặt ở xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), làng trồng đào phai lớn và nổi tiếng ở Ninh Bình. Thời điểm cách Tết Nguyên đán 2 tháng là thời gian bà con nông dân nơi đây đang bận rộn vào vụ chăm sóc đào bán Tết, nhưng năm nay thì ngược lại, hàng chục hộ dân địa phương buồn rười rượi khi hàng nghìn cây đào “lăn đùng” ra chết từ tháng 10 đến nay.

Một nông dân trồng đào tâm sự: “Mất hết rồi chú ạ! Năm nay coi như trắng tay, chẳng còn đào bán vào dịp Tết. Hàng trăm gốc đào của gia đình tôi “chết như ngả rạ” từ tháng 10 đến nay, sau trận lũ lịch sử”.

Lão nông này lý giải, đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua nhiều diện tích trồng đào của gia đình cũng như các hộ dân địa phương bị ngập sâu trong nước. Sau lũ, nước rút chậm, đào bị ngập úng cả tuần, lá vàng úa, héo rũ rồi rụng, không có cây nào đâm chồi nảy lộc được, đến nay thì… chết khô.

Theo thống kê của UBND xã Đông Sơn, diện tích đào trên địa bàn bị ngập úng chết từ tháng 10 đến nay khoảng 43/150 ha. Báo cáo thiệt hại từ các hộ trồng đào thì có hơn 4.000 gốc đào độ tuổi từ 1 đến 3, 4 năm bị chết. Nguyên nhân được xác định là do đợt mưa lớn kéo dài ngập lụt, gây thiệt hại.

Ông Phạm Đình Thạo (xóm 7, xã Đông Sơn) cho biết, gia đình trồng hơn 130 gốc đào phai phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm nay. Trước khi trận mưa lũ lịch sử xảy ra, hầu hết các cây đào đều phát triển tốt, dự kiến sẽ được tuốt lá để ra hoa đúng dịp.

Vì sao hơn 4.000 cây đào phai ở Ninh Bình “chết như ngả rạ”? ảnh 1

Nhiều gốc đào to có giá trị cao vào Tết Nguyên đán năm nay bị chết, nông dân phải chặt bỏ.

“Vườn đào mơn mởn, nhiều cây to thế rất đẹp không chỉ gia đình tôi mà nhiều người cũng rất ưng, chăm sóc tốt thì Tết ra hoa đẹp, cho thu nhập không hề nhỏ. Ai ngờ, lũ ập về làm hơn 100 gốc đào ngập sâu trong nước, nhiều cây đã chết, những cây còn lại thì đang héo dần và có biểu hiện phát triển kém, không biết có sống được không, sống được có nở hoa vào dịp Tết được không?”, ông Thạo tâm sự.

Cũng theo ông Thạo, với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở Đông Sơn, kết hợp với bàn tay chăm sóc khéo léo, tỉ mỉ của người trồng, đào phai ở Đông Sơn thường đẹp cả về thế cây cho đến màu sắc của hoa. Đào chết, vụ năm nay gia đình ông Thạo “mất trắng” cả trăm triệu đồng.

Ông Ninh Văn Mạnh có thâm niên trồng đào phai ở Đông Sơn cũng khóc ròng vì hàng chục cây đào của gia đình cũng chung cảnh như gia đình ông Thạo vào nhiều hộ dân khác. “Đào phai là loại cây phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Vốn là cây chịu hạn nên khi bị ngập úng sẽ ảnh hưởng rất lớn, cây vàng lá, ủ rũ rồi chết khô. Đợt mưa lũ vừa qua, hơn 50 gốc đào của gia đình tôi trồng ở khu vực thấp bị chết. Phần lớn những cây bị chết đều đã trồng lâu năm, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao, giờ coi như mất trắng.

Vì sao hơn 4.000 cây đào phai ở Ninh Bình “chết như ngả rạ”? ảnh 2

Nhiều hộ dân ở làng đào Đông Sơn buồn rười rượi khi mất cả trăm triệu đồng do đào chết hết.

Ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết, nhiều năm qua cây đào phai đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở Đông Sơn. Loại cây này đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tết Nguyên đán 2018 đang đến gần nhưng một diện tích lớn đào phai bị chết khiến nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nặng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Điệp chia sẻ thêm, chính quyền địa phương cùng Hội đã kêu gọi người dân xử lý nhanh những diện tích đào bị chết không thể khôi phục để trồng tiếp diện tích đào mới. Những ruộng bị ngập úng, hướng dẫn người dân tập trung đào rãnh thoát nước, vun cao luống để đào không còn ngập úng nếu có mưa kéo dài và đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

“Với diện tích đào còn lại, người dân cần xử lý kịp thời như bón thêm phân, đạm để cây ra rễ mới, nâng cao sức đề kháng. Những diện tích đào chết thì có thể tạm thời khắc phục bằng việc thâm canh, chuyển đổi trồng các loại rau màu, hoa, cây cảnh ngắn ngày khác để bù đắp thiệt hại”, ông Sỹ nói.

Vì sao hơn 4.000 cây đào phai ở Ninh Bình “chết như ngả rạ”? ảnh 3

Người dân chăm sóc những cây đào còn sống để "vớt vát" lại thiệt hại sau cơn lũ lịch sử.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG