Vì sao nghiên cứu Biển Đông nhiều lỗ hổng?

Vì sao nghiên cứu Biển Đông nhiều lỗ hổng?
Vì sao nghiên cứu Biển Đông nhiều lỗ hổng?
Tàu chuyên dụng đắt tiền "đắp chiếu" chờ cơ chế trong khi các nhà khoa học than không đủ tàu... công cuộc nghiên cứu biển vì thế đình trệ nhiều thập kỷ qua.  

 Lỗ hổng nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam Tháng 12/2016, bốn thuyền viên tàu cá cùng 9 nhà khoa học của Đại học Khoa học Tự nhiên đang ra đảo Cồn Cỏ lấy mẫu nước thì tàu chết máy, nguy cơ chìm. Nhóm nghiên cứu lúng túng khi gặp sự cố. Mất một đêm vật lộn, lực lượng cứu hộ mới đưa được nhóm nhà khoa học về bờ an toàn.

Câu chuyện được kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghiệp tàu thủy Việt Nam kể lại đầy băn khoăn. Ông cho rằng, những người đi biển luôn đối mặt với nguy hiểm nên rất cần được đào tạo bài bản về xử lý các sự cố. Nhưng thực tế, các kỹ năng "xuống biển" này lại không có trong chương trình đào tạo ở Việt Nam.

Học chay

Những người làm về biển ở Việt Nam thường từ nhiều ngành khác nhau: môi trường, khí tượng, hải dương học, địa chất… Giáo trình đào tạo có hai năm lý thuyết đại cương cơ bản, sau đó học chuyên ngành và không có thực hành. Cách "học chay" này, theo ông Bình, khó tránh tình trạng học về biển nhưng không có kỹ năng khi xuống biển.

Giảng viên Phụ trách Bộ môn Hải dương học (Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết, việc đào tạo đang thực hiện đúng yêu cầu của nhà nước. Bộ môn có giáo trình dạy về kỹ năng khảo sát trên biển, còn các kỹ năng đi biển "thông thường" thì từng sinh viên phải tự tìm hiểu thêm.

  Cách này khác hẳn so với nước ngoài. TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn ví dụ tại Đại học Khí tượng - Thuỷ văn Lêningrat (Liên bang Nga) nơi ông từng học. Tại đây, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng đo đạc, các học viên phải có chứng chỉ của ngành hàng hải. Từ xử lý máy móc, thả neo, phòng chữa cháy trên tàu, bơi, lặn, sơ cứu đồng nghiệp, phối hợp khi tàu có sự cố, sử dụng phao cứu sinh... học viên đều phải nhuần nhuyễn và qua các kỳ sát hạch.

“Chỉ khi đảm bảo các kỹ năng, đủ sức khỏe, được cấp hộ chiếu thủy thủ, chúng tôi mới đủ tiêu chuẩn bước lên tàu”, TS Toán nói.

Nguồn nhân lực đầu vào của ngành cũng rất khiêm tốn. PGS Nguyễn Chu Hồi (Đại học Khoa học Tự nhiên) cho hay hiện rất ít sinh viên theo học ngành này. Ở Khoa Khí tượng của trường ông trung bình một năm khoảng 100 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó môn Hải dương học chỉ có 4-5 sinh viên theo học. Các trường khác, số sinh viên học về biển cũng đếm trên đầu ngón tay. 

Vì sao nghiên cứu Biển Đông nhiều lỗ hổng? ảnh 1

Các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khoanh vùng khu vực biển Rạn Mè để làm vườn ươm san hô. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm.

Thiếu tàu, lo lãng phí

Trên nhiều diễn đàn, mỗi khi có ý kiến nói về việc nghiên cứu biển của Việt Nam còn bỏ hoang, nhiều nhà khoa học cho rằng không chỉ thiếu người yêu biển mà thiếu cả cơ sở vật chất, những đội tàu chuyên dụng.

Ông Đỗ Thái Bình cho biết, thực tế năm 1982, Việt Nam từng có tàu chuyên dụng cho nghiên cứu biển do Na Uy và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc tặng. Con tàu mang tên Dr. Fridtjof Nansen, sau gọi là Tàu Biển Đông, có dung tải 495GT, được gắn thêm thiết bị khoa học. Tuy nhiên, khai thác vài lần, đến năm 2003 tàu bị cuốn lưới vào chân vịt rồi hỏng và giờ không ai biết nó ở đâu.

Đến năm 1998, Nhà nước đầu tư con tàu Nghiên cứu Biển cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn khi đó làm chủ đầu tư. Tàu hạ thủy 5 năm nhưng không ra khơi, sau đó chuyển giao về Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ. Tàu 2.000 mã lực nhưng PGS Chu Hồi cho biết do để không nhiều năm, lại đóng không phù hợp yêu cầu chuyên môn nên tàu cũng không phát huy tác dụng. 

"Hiện một bên vỏ tàu bị “lệch vẹo”, phải treo mấy chục tấn gang để cân bằng. Một năm mất mấy tỷ đồng nuôi tàu (chi phí bến đỗ, dầu dưỡng máy, bảo dưỡng định kỳ, đăng kiểm, lương và chế độ phụ cấp cho thủy thủ đoàn...) mà không sử dụng được", ông Hồi tiếc nuối. 

Đến năm 2010, con tàu mang tên Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước đầu tư theo Đề án điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tàu được thiết kế phục vụ khảo sát, đo đạc biển với rất nhiều thiết bị chuyên dụng như hệ thống đo sâu hồi âm đa tia, thiết bị quét biển Side Scan Sonar, thiết bị đo từ trường, trọng lực biển, đo dòng chảy, độ mặn...

Vì sao nghiên cứu Biển Đông nhiều lỗ hổng? ảnh 2 Tàu Trần Đại Nghĩa có chức năng khảo sát thăm dò được cho là hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng giới chuyên môn vẫn cho là chưa đủ chức năng nghiên cứu biển. Ảnh: CH.

Nhưng theo PGS Chu Hồi tàu này thiết kế chủ yếu đo thủy đạc, thủy âm chứ không phải để nghiên cứu biển chuyên sâu. "Nghiên cứu biển có rất nhiều nội dung khác nhau. Vì thế cần phải có một đội tàu, mỗi con có một chức năng chính, được gắn thiết bị chuyên môn và phòng thí nghiệm xử lý nhanh trên tàu... Tuy nhiên, đặt vấn đề có đầu tư hay không lại là câu chuyện cần bàn", ông Hồi nói.

Lý giải thêm, ông Hồi cho rằng dù nhà nước chi tiền đóng tàu hay nhận được tài trợ của nước ngoài cũng cần có cách tổ chức quản lý, phương án khai thác hiệu quả bằng các đặt hàng cụ thể, tránh tình trạng "nuôi báo cô" tàu.

Một năm chi phí vận hành một con tàu khoảng 10-15 tỷ đồng, trong khi các đề tài nghiên cứu biển hiện rất nhỏ lẻ. Mỗi đề tài được đầu tư không quá 10 tỷ đồng, khó để nói chuyện sử dụng đội tàu chuyên dụng. Do đó, khai sinh một đội tàu không đơn giản là "mua/đóng tàu", mà phải thay đổi đồng bộ cơ chế, chính sách trong điều tra - nghiên cứu biển hiện nay.

Đồng tình việc đầu tư tàu chuyên dụng là cần thiết, TS Dư Văn Toán kiến nghị Nhà nước cần đặt hàng và có tính toán để tránh lãng phí. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu, điều tra về biển, trừ vấn đề bí mật an ninh quốc phòng, nên được công khai để các cơ quan có nhu cầu sử dụng, tránh nghiên cứu lặp lại, lãng phí.

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.