Vì sao người dân hãi cá biển

Ngư dân đánh bắt cá, ghẹ được ít hơn sau khi hiện tượng cá, ghẹ chết xảy ra (ảnh chụp ngày 16/9).
Ngư dân đánh bắt cá, ghẹ được ít hơn sau khi hiện tượng cá, ghẹ chết xảy ra (ảnh chụp ngày 16/9).
TP - Nhiều người dân ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vẫn hoang mang, lo lắng, không dám ăn cá biển do chính người quê mình đánh bắt lên.

Dù ngành chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu nguyên nhân cá chết là do hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ), nhưng nhiều người dân ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vẫn hoang mang, lo lắng, không dám ăn cá biển do chính người quê mình đánh bắt lên.

Chị N.T.T (thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải) cho hay, dù cá, ghẹ chết ở vùng biển Tĩnh Hải hơn 10 ngày qua đã chấm dứt, nhưng chị và nhiều người dân nơi đây vẫn không dám mua cá biển về ăn. “Thay vì ăn cá biển như trước đây, gia đình tôi lại ăn cá nuôi. Chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, chúng tôi mới yên tâm được”, chị nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải, nói: “Ngay khi xảy ra hiện tượng cá, ghẹ chết, đích thân tôi đã trực tiếp đến gặp đại diện Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn hỏi về việc nhà máy có hoạt động xả thải, hay súc rửa đường ống gần đây không? 

Phía bộ phận cộng đồng của Cty đã trả lời là không có”. Liên tục những ngày qua, nhiều đoàn công tác từ Trung ương, tỉnh đã về địa phương để lấy mẫu nước, thực địa tại vùng biển bờ kè, đường ống xả thải của Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

“Hiện có tình trạng nhiều người dân hoang mang không dám mua, ăn cá biển. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng sớm đưa ra kết luận cuối cùng để người dân sớm yên tâm với hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản”, bà Nga nói.

Ở thôn Liên Vinh, nhiều hộ dân có truyền thống đánh bắt hải sản ven bờ bằng thuyền mủng (loại thuyền ván gỗ nhỏ), cách bờ khoảng 2-3 km.

Sau khi giăng lưới sớm, đến khoảng 17 giờ chiều, ngư dân đưa thuyền ra để kéo lưới. Anh N.V.T, một chủ thuyền đánh bắt ven bờ, nói: “Trừ chi phí tiền lưới rách, tiền xăng dầu thì mỗi thuyền đánh bắt cá đem bán trong ngày cũng được vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng.

 Cá đánh bắt được phục vụ chủ yếu cho người dân trong vùng. Từ khi xuất có hiện tượng cá, ghẹ chết, có đi đánh được cá, ghẹ về cũng khó bán hơn trước”. Theo anh N.V.T và một số chủ tàu, thuyền khác, từ khi xảy ra hiện tượng cá, ghẹ chết, tại vùng biển họ thường đánh bắt xuất hiện ít cá, ghẹ hơn.

Ngày 15/9, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản gửi cơ quan chức năng khẳng định nguyên nhân ban đầu khiến cá chết là hiện tượng tảo nở hoa, đồng thời, ngành chức tiếp tục theo dõi, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học xác định nguyên nhân cụ thể. 

Phía tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc đưa tin hiện tượng cá chết có liên hệ với việc súc rửa đường ống dẫn dầu của Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm dư luận hoang mang trong khi kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng chưa được đưa ra. 

Việc này đã trực tiếp ảnh hưởng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là của Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng gắn việc phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG