Việt Nam có tốc độ phát triển điện toán đám mây vượt bậc

 Việt Nam có tốc độ phát triển điện toán đám mây vượt bậc
Ông lớn Oracle trong lĩnh vực phần cứng và phần mềm Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển điện toán đám mây nhanh nhất và cũng có nhân lực thích nghi nhanh chóng với công nghệ này.

Ông Raghu Prasad, Giám đốc tư vấn giải pháp, khu vực Đông Nam Á và Nam Á, Oracle đã có những chia sẻ về điện toán đám mây tại Việt Nam.

Ông đánh giá ra sao về tốc độ phát triển của điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam?

Tôi tin rằng Oracle là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tập trung phát triển vào thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam. Nếu được hỏi rằng “liệu thị trường Việt Nam có thực sự sẵn sàng cho điện toán đám mây chưa?”, câu trả lời của tôi sẽ là có.

Trong vòng 12-18 tháng vừa qua, chúng tôi có thể nhận thấy sự phát triển vượt bậc của điện toán đám mây tại Việt Nam. Là một thị trường mới nổi, Việt Nam tất yếu sẽ không nằm ngoài xu thế phát triển công nghệ này của thế giới.

Nếu so sánh với các thị trường có cùng điểm xuất phát trong hành trình chuyển đổi lên điện toán đám mây, Việt Nam đang đứng ở vị thế như thế nào?

Nếu nhìn trong khu vực Đông Dương, Việt Nam có thể coi là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ngành điện toán đám mây nhanh nhất. Trong nghiên cứu “Chỉ số sẵn sàng cho Điện toán Đám mây 2016 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Hiệp hội Điện toán Đám mây Châu Á thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng thứ 14, xếp ngay sau hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển bậc nhất Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, và bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực.

Một trong những lý do chính là bởi ngành công nghiệp thông tin tại Việt Nam khá vững chắc, từ đó, mọi người có thể dễ dàng và nhanh chóng thích nghi với các công nghệ mới hơn, trong đó có các giải pháp điện toán đám mây.

Tốc độ tăng trưởng của Điện toán Đám mây nói chung, và của Oracle nói riêng như thế nào trong năm vừa qua?

Mỗi tầng điện toán đám mây có tốc độ phát triển khác nhau. Theo những báo cáo gần đây, lĩnh vực ‘Phần-mềm-như-một-Dịch-vụ’ (SaaS) – do đã được phát triển từ nhiều năm trước – đã đạt doanh thu gần 38 tỷ đô-la Mỹ, tăng trưởng hơn 20% so với năm ngoái. Còn ‘Nền-tảng-như-một-Dịch-vụ’ (PaaS) đạt doanh thu 4,6 tỷ đô-la Mỹ, cũng tăng với tốc độ khoảng 21%. Đặc biệt, ‘Cơ-sở-Hạ-tầng-như-một-Dịch-vụ’ (IaaS) đã đạt doanh thu lên hơn 22 tỷ đô-la Mỹ, tức tăng trưởng hơn 38% trong chỉ một năm. 

Còn với Oracle, trong lĩnh vực PaaS và SaaS, tốc độ tăng trưởng của chúng tôi đang tăng rất nhanh trong 3 năm vừa qua. Trong năm tài chính 2016, tổng doanh thu PaaS và SaaS của Oracle đã tăng 49% so với năm ngoái – lớn hơn nhiều so với tốc độ phát triển của toàn thế giới. Còn trong lĩnh vực IaaS, dù Oracle mới tập trung phát triển gần đây, tình hình tăng trưởng cũng rất khả quan.

Ngoài ra, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, Châu Á – Thái Bình Dương chính là khu vực phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực điện toán đám mây của Oracle.

Theo ông, đâu là rào cản khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn băn khoăn chưa chuyển đổi lên điện toán đám mây?

Tôi nghĩ các đội ngũ CNTT trong doanh nghiệp luôn quan tâm đến vấn đề bảo mật: Làm thế nào để bảo mật dữ liệu, các ứng dụng, hay có cách nào để truy cập dữ liệu từ bên ngoài không? Đây là mối quan tâm lớn và chính đáng mà mọi doanh nghiệp cần lưu ý. Ngoài ra, hiệu suất vận hành bị ảnh hưởng hay độ trễ nải cũng là một rào cản khác. Doanh nghiệp lo lắng rằng tốc độ mạng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất củaứng dụng hay dữ liệu trên điện toán đám mây, bởi đường truyền mạng nội bộ có lẽ sẽ không đủ tương thích với điện toán đám mây. Mối lo lắng thứ ba là liệu điện toán đám mây có ngăn chặn khả năng mở rộng hệ thống CNTT của doanh nghiệp hay không.

Về vấn đề bảo mật, Oracle rất tự tin về lĩnh vực này. Ta có thể nhìn nhận bảo mật trên nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là khả năng bảo mật tại trung tâm dữ liệu. Oracle đảm bảo tuân thủ mọi điều lệ và tiêu chuẩn an ninh của các quốc gia có quy định bảo mật chặt chẽ nhất thế giới như Anh, Mỹ hay Đức. Thứ hai là các ứng dụng và dữ liệu được lưu trữ trong trung tâm dữ liệu. Chúng tôi có nhiều tầng lớp bảo mật khác nhau tại đây với mục đích truy cập hay sử dụng. Thứ ba là đội ngũ nhân sự đang làm việc tại trung tâm dữ liệu. Oracle là một trong số ít những doanh nghiệp có toàn bộ nhân viên hiện đang làm tại trung tâm dữ liệu là nhân viên nội bộ, không phải là người từ các nhà thầu bên ngoài. 

Vừa qua, những dịch vụ IaaS mới công bố của Oracle như Đám mây Ravello, Đám mây vận hành trực tiếp trên Phần cứng (Bare Metal Cloud)hay Đám mây Oracle tại cơ sở doanh nghiệp (Oracle Cloud at Customer) có thể coi là một Thế hệ thứ 2 của IaaS với khả năng kết nối với ba miền mạng lưới độc lập. Nhờ vậy, dù trung tâm dữ liệu ở Singapore có gặp trục trặc, thì doanh nghiệp vẫn có thể kết nối liền mạch qua trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản hoặc Sydney.

Khả năng kết nối với nhiều miền mạng lưới cũng giúp loại bỏ lo lắng về độ trễ trong quá trình truyền tải của doanh nghiệp. Với giải pháp Oracle FastConnect, khách hàng có thể kết nối trung tâm dữ liệu hiện hành và nền tảng Điện toán Đám mây một cách an toàn và bảo đảm. Oracle hiện cũng cung cấp khả năng kết nối lớn nhất hiện thời cùng nhiều lựa chọn tương ứng.

Còn về khả năng mở rộng của nền tảng điện toán đám mây, Oracle đã và đang nỗ lực nghiên cứu, nâng cấp tính năng này trên nhiều dịch vụ, đặc biệt với Đám mây vận hành trực tiếp trên Phần cứng (Bare Metal Cloud). Với khả năng tương thích với nhiều ngôn ngữ lập trình, nền tảng, dịch vụ Bare Metal Cloud có thể đảm bảo độ linh hoạt của hệ thống doanh nghiệp.

Những e ngại về khả năng rò rỉ thông tin tại các trung tâm dữ liệu ở nước ngoài là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thể chuyển đổi lên nền tảng điện toán đám mây. Oracle có giải pháp gì cho vấn đề này không?

Thực chất, Oracle hiện đã có giải pháp cho vấn đề này, mang tên Điện toán Đám mây Oracle tại cơ sở doanh nghiệp (Oracle Cloud at Customer). Dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng mọi lợi ích do các dịch vụ Điện toán Đám mây Oracle mang lại – như khả năng thích ứng, tính đơn giản, hiệu suất hoạt động, độ linh hoạt vượt trội và chi phí đăng ký thuê bao hợp lý – ngay tại trung tâm dữ liệu hiện hành. Đây là loại hình dịch vụ đầu tiên được một nhà cung cấp Điện toán Đám mây Công cộng lớn giới thiệu ra thị trường có khả năng mang lại chuỗi giải pháp tích hợp 100% với Điện toán Đám mây Oracle ngay tại hệ thống hiện hành.

MỚI - NÓNG