Việt Nam đang tụt hậu về nguồn nhân lực

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tham dự Diễn đàn.
TP - Ngày 14-15/12, Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 diễn ra tại Hà Nội.  Các diễn giả tham gia diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm có giá trị từ phía Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo về thực trạng tụt hậu của nguồn nhân lực Việt Nam so với thế giới. Diễn đàn do Bộ Giáo dục Hàn Quốc, thời báo Kinh tế Hàn Quốc và Bộ GD&ĐT Việt Nam đồng tổ chức.

Với vai trò là thành viên nhóm tư vấn của Bộ GD&ĐT Việt Nam, GS. Ngô Bảo Châu đã đưa ra một số con số cần được nhìn nhận nghiêm túc tại Việt Nam. Cụ thể, theo bảng xếp hạng 400 trường ĐH hàng đầu của châu Á do tổ chức QS xếp hạng thì Việt Nam chỉ có 5 trường. Trong đó Malaysia có 27 trường, Indonesia có 17 trường, Thái Lan có 16 trường, Philippines 6 trường. Số lượng bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí của Scopus năm 2016 của Việt Nam cũng thấp hơn các nước lân cận. Đứng đầu là Malaysia với 28.546 bài, thứ hai là Singapore 19.992 bài, Thái Lan 14.176 bài, Indonesia 11.470 bài, trong khi Việt Nam chỉ có 5563 bài.

GS. Ngô Bảo Châu cũng đưa ra một số thách thức đối với giáo dục ĐH của Việt Nam. Trong đó, đầu tiên là hệ thống quản trị kém hiệu quả. Thứ hai là thiếu đầu tư. So với các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia thì đầu tư nhà nước trên đầu sinh viên theo khảo sát của World Bank rất thấp. Năm 2013 là 645 USD/sinh viên. Trong khi ở Singapore con số này năm 2013 là 12.013 USD/sinh viên (gấp gần 20 lần Việt Nam).

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết những bất cập trong chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay được thể hiện bằng các con số  như  năng lực cạnh tranh thấp, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4% của Singapore, 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,7% của Indonesia.

“Theo các chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả” – ông Hoàng Quang Phòng nói.

Cùng với đó, ông Phòng cho rằng nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Điều này gây khó khăn, cản trở cho việc tiếp cận ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập. Không những thế, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế, tác phong công nghiệp cũng chưa tốt.

Nguyên nhân của những bất cập này theo Phó chủ tịch VCCI là do chưa dự báo nguồn nhân lực sát với thị trường lao động, chưa thực hiện dự báo nhu cầu đào tạo về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT chưa tốt. Công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự dựa trên cơ sở nhu cầu xã hội, chưa thu hút được sự tham gia phát triển nguồn nhân lực từ các đơn vị sử dụng lao động.  “Đội ngũ giáo viên, giảng viên thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ cấu nghề nghiệp đào tạo không khớp với cơ cấu nhu cầu của thị trường lao động...” – ông Hoàng Quang Phòng phân tích.

Lao động giản đơn sẽ bị thay thế bằng tự động hóa

Đến từ Ngân hàng Thế giới, chuyên gia Jaime Saavedra đưa ra nhận định trong thời gian tới, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành mới sẽ ra đời nhưng đồng thời một số ngành cũ sẽ biến mất nên đòi hỏi  người lao động phải có các kỹ năng mới. Công nghệ ngày càng rẻ hơn dẫn đến sự thay đổi vô cùng lớn. “Những quốc gia dựa vào nguồn nhân lực lao động chất lượng thấp sẽ phải đối diện nhiều thách thức” – ông Jaime Saavedra cho hay. Chính vì vậy, theo ông Jaime Saavedra, nhiệm vụ của ngành giáo dục ít nhất phải làm hai việc. Thứ nhất là xây dựng được kỹ năng cho người học, thứ hai là tận dụng thế mạnh của công nghệ. Trong đó, quan trọng nhất của việc trang bị kỹ năng cho người học là khả năng  tự học. Đây là điều cần trang bị cho học sinh thế kỷ 21. Còn theo GS. Ngô Bảo Châu, ba trụ cột của giáo dục ĐH hiện nay gồm quản trị, tài chính và năng lực hệ thống. Trong  đó, đối với quản trị, cần cân bằng giữa tự chủ ĐH và sự can thiệp của quản lý nhà nước. Mô hình hệ thống đại học và cao đẳng thống nhất, cùng với bộ tiêu chí rành mạch, để đảm bảo cho hiệu quả can thiệp của quản lý nhà nước (quản trị, giám sát) hướng tới nâng chất lượng của cả hệ thống .

Về tài chính, GS.Ngô Bảo Châu đề xuất nâng cao hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho ĐH và CĐ bằng cách chuyển từ hình thức cấp kinh phí chi thường xuyên sang hình thức đặt nhiệm vụ ưu tiên (đào tạo, nghiên cứu), thông qua quy trình cạnh tranh công bằng. Đồng thời đảm bảo cơ hội tiếp cận bằng quỹ học bổng và tín dụng sinh viên . Về năng lực hệ thống, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng cần có  khung pháp lý để khuyến khích đầu tư tư nhân vào ĐH, CĐ. Cần có các bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu tư, về chất lượng quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó cần thiết kế một thị trường lao động cho bậc đại học, cao đẳng theo hướng mở và cạnh tranh. Thống nhất và đơn giản hoá hệ thống tên gọi và chức danh.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành...

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.