Nhà sản xuất máy bay Nga:

Việt Nam - thị trường trực thăng tiềm năng

Việt Nam - thị trường trực thăng tiềm năng
TP - Đại diện nhà thiết kế và sản xuất máy bay lên thẳng duy nhất ở Nga nói rằng, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, và phía Nga sẵn sàng đổi mới công nghệ để cung cấp các phiên bản phù hợp hơn phục vụ quốc phòng, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, khảo sát tài nguyên… Phía Nga cũng đánh giá cao Cty Liên doanh Sửa chữa Trực thăng Biên Hòa.

Ngày 28/8, trong một dịp hiếm hoi, Cty Máy bay trực thăng Kazan thuộc Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga (Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga ROSTEC) mở cửa cho các phóng viên nước ngoài tham quan, chụp ảnh một số phân xưởng sản xuất, lắp ráp trực thăng tại Kazan - thủ phủ Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. Trước câu hỏi của phóng viên Việt Nam liên quan thị trường Việt Nam, ông Vadim Ligay, Tổng Giám đốc Nhà máy Máy bay trực thăng Kazan, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga, nói: “Một số năm gần đây, tại Việt Nam, nhu cầu đối với các loại máy bay lên thẳng giảm sút phần nào. Nguyên nhân thì có nhiều và một trong số đó là ngày càng có nhiều dòng sản phẩm mới hoàn toàn cũng như model nâng cấp, nên có lẽ Việt Nam cần thời gian để nghiên cứu, đánh giá”.

Ông Vadim nhận định, thị trường Việt Nam vẫn rất tươi sáng vì đây là thị trường truyền thống của Nga, trong khi có nhiều lĩnh vực cần đến máy bay trực thăng như tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy, vận chuyển bệnh nhân, thăm dò, khảo sát dầu khí, đưa đón các nhân vật quan trọng… “Chúng tôi được biết, các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TPHCM đang cân nhắc việc mua máy bay lên thẳng phục vụ công tác chữa cháy. Trực thăng chữa cháy có nhiều loại, có thể là loại chuyên dụng như ANSAT, loại đa năng như KA-32A11BC hoặc loại cải biến của MI-17…”, ông Vadim nói. MI-17 là phiên bản xuất khẩu MI-8 của Nga, là loại trực thăng vận tải cỡ trung bình, có thể được lắp thêm thiết bị chữa cháy theo yêu cầu khách hàng.

Việt Nam - thị trường trực thăng tiềm năng ảnh 1

Công nhân Cty Máy bay trực thăng Kazan ngày 28/8 đang lắp ráp, hoàn thiện máy bay theo đơn đặt hàng. Ảnh: Thái An

Cuối năm ngoái, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Bộ Công an đề xuất trang bị 6 máy bay lên thẳng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hồi tháng 6/2015, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sơn, cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng lực lượng PCCC, Việt Nam sẽ xây dựng 3 trung tâm chữa cháy ở 3 miền và các trung tâm này sẽ được trang bị máy bay lên thẳng. Hà Nội sẽ mua trực thăng vào thời điểm thích hợp để đạt được hiệu quả cao nhất, ông Sơn nói. Cuối năm 2011 tại Hà Nội xảy ra vụ cháy tháp EVN cao 33 tầng ở phố Cửa Bắc.

Mới đây, UBND TPHCM phê duyệt đề cương chi tiết dự án “Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025” của Sở Cảnh sát PCCC. Theo đó, đến năm 2020, TPHCM sẽ mua 4 trực thăng chữa cháy. Năm năm tiếp theo, thành phố mua thêm 2 máy bay. Sở Cảnh sát PCCC TPHCM bày tỏ quan tâm một số loại máy bay lên thẳng đa dụng, có thể phục vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trước mắt, để xử lý đám cháy ở các tòa nhà cao tầng, lực lượng PCCC thành phố có thể phối hợp với bên quân đội để sử dụng trực thăng quân sự vào việc chữa cháy, cứu hộ. 

“Việt Nam sửa chữa trực thăng rất tốt”

Đó là nhận định của ông Valery Pashko, Giám đốc Marketing của Cty Máy bay trực thăng Kazan, khi trao đổi với phóng viên Việt Nam về năng lực của các chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng trực thăng.

“Cty Liên doanh Sửa chữa Trực thăng Biên Hòa (BHC) là một trong số ít doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sửa chữa máy bay trực thăng MI bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ. Gần chục năm qua, dù nhân lực mỏng nhưng BHC đã cung cấp dịch vụ đại tu chất lượng cao cho Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Lào, Campuchia…, dần trở thành điểm tựa sửa chữa trực thăng trong khu vực”, ông Valery nói. Bên cạnh việc nhà sản xuất Nga tối ưu hóa thiết kế, hiện đại hóa công nghệ để tăng tuổi đời trực thăng lên 20-25%, việc BHC cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng chất lượng cao cũng góp phần nâng cao tuổi thọ nhiều dòng máy bay.

Ngoài Việt Nam, Cty Máy bay trực thăng Kazan nói riêng, các nhà sản xuất máy bay Nga nói chung đang tích cực cải tiến công nghệ để xuất xưởng các chủng loại máy bay phù hợp với điều kiện của từng nước khách hàng, nhất là dòng trực thăng đa dụng, ông Vadim cho biết. Tổng Cty Máy bay trực thăng Nga đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ…, thậm chí thành lập liên doanh ở những thị trường tiềm năng nhất. Hãng chế tạo máy bay lên thẳng hàng đầu thế giới này cũng tăng cường xuất khẩu sang các nước Mỹ Latin như Mexico, Peru, Brazil…

Bán trực thăng quân sự mới nhất cho Ấn Đô

Tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ - Quốc tế (MAKS) 2015 diễn ra tại Nga từ 25 đến 30/8, Tổng Cty Trực thăng Nga giới thiệu những mẫu trực thăng mới nhất, gồm MI-38, KA-52 Alligator, KA-52K, MI-26T2, MI-8AMTSH-VA…, trong đó phần lớn sản phẩm được cung cấp cho Ấn Độ. Dựa trên trực thăng trinh sát và tấn công KA-52 Alligator, KA-52K được thiết kế cho hải quân. Cả KA-52K và MI-26T2 được Ấn Độ lựa chọn để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia tại những vùng biển xa. “Hơn 8.500 trực thăng do Nga sản xuất đang hoạt động khắp thế giới. Từ giờ tới năm 2030, mỗi năm, chúng tôi giao khoảng 230-280 chiếc”, Tổng Giám đốc Tổng Cty Trực thăng Nga Alexander Mikheyev thông báo.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.