Giải thưởng Tạ Quang Bửu:

Vinh danh nghiên cứu Việt mang tầm quốc tế

Các nhà khoa học tham gia Giao lưu trực tuyến. Từ trái qua GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, GS.TS Đinh Dũng, GS.TS Nguyễn Đức Chiến, PGS.TS Trần Thanh Hải và ông Đỗ Tiến Dũng.
Các nhà khoa học tham gia Giao lưu trực tuyến. Từ trái qua GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, GS.TS Đinh Dũng, GS.TS Nguyễn Đức Chiến, PGS.TS Trần Thanh Hải và ông Đỗ Tiến Dũng.
TP - Trong buổi Giao lưu trực tuyến trên Tiền Phong Online về Giải thưởng Tạ Quang Bửu chiều qua, GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Vì những công trình được tôn vinh mang tầm quốc tế nên giải thưởng mới ra đời 3 năm đã có tiếng vang và uy tín trong cộng đồng khoa học. Có thể tiến tới là giải thưởng khoa học uy tín quốc tế”.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ KH&CN tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần thứ 3 sẽ được trao giải vào tháng 5 tới. Mỗi năm giải thưởng vinh danh hai nhà khoa học có công trình đạt tầm quốc tế, trị giá giải thưởng 200 triệu đồng. Ngoài ra, có thêm một giải cho nhà khoa học trẻ (trị giá 50 triệu đồng).

GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội (nhận giải năm ngoái) tâm sự, Giải thưởng Tạ Quang Bửu rất khác với các giải thưởng cấp quốc gia khác. Đây là giải thưởng duy nhất có Hội đồng xét chọn chỉ gồm các nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy. Giải thưởng không tặng cho thành tích của một quá trình mà chỉ tặng cho một tác giả chính của một công trình khoa học xuất sắc đạt tầm cỡ thế giới. Như vậy, các nhà khoa học lão thành và các nhà khoa học trẻ có ưu thế như nhau.

PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhớ lại khi nhận giải năm ngoái: “Tôi không dám tin mình được lựa chọn vì tiêu chí tương đối khắt khe. Năm ngoái có hơn 40 bộ hồ sơ của nhiều nhà khoa học khác, hầu hết là những người xuất sắc”. Ông kể thêm: “Bây giờ những người làm khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ coi giải thưởng như một mục tiêu phấn đấu”.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành  Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, đơn vị thường trực của giải thưởng chia sẻ, năm đầu có 52 hồ sơ đăng ký. Chúng tôi từng lo lắng, số lượng hồ sơ, tham dự giải thưởng sẽ giảm đi theo các năm nhưng rồi vui mừng nhận thấy, số lượng hồ sơ vẫn tương đối ổn định. Hai năm qua, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng là GS Ngô Việt Trung, nhà toán học uy tín của Việt Nam. Hội đồng giải thưởng cũng bao gồm các nhà khoa học đầu ngành, uy tín và có thêm hai nhà khoa học quốc tế.

Ông Dũng bật mí thêm, năm nay có 49 hồ sơ tham dự. GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành vật lý của Giải thưởng Tạ Quang Bửu tiết lộ, ngành vật lý có 3 đề cử. Các công trình đề cử được đăng trên các tạp chí rất có uy tín của các chuyên ngành. “Đặc biệt, một công trình là vật lý thực nghiệm được lượng trích dẫn rất cao. Công trình này hoàn toàn là của người Việt Nam, thực hiện ở Việt Nam”, GS Chiến nói. GS Đinh Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành khoa học máy tính và thông tin kể về Hội đồng của ông, có 4 công trình xét thưởng. Hội đồng nhận xét bốn công trình này đều mang tầm quốc tế, có chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, cả bốn công trình này đều không qua được vòng sơ tuyển. 

“Giải oan” cho nghiên cứu cơ bản

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các nghiên cứu khoa học cơ bản. Trước câu hỏi Việt Nam còn nghèo, nên đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng thay vì nghiên cứu cơ bản, ông nghĩ sao?, GS Nguyễn Đức Chiến tâm sự, đầu tư nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng là một cuộc tranh luận không ngừng, nhất là ở Việt Nam. Tôi kể thế này, trong các cuộc tiếp xúc với các nhà khoa học nước ngoài, nhất là những người từng đoạt giải Nobel, không ai khuyên chúng ta bỏ làm nghiên cứu cơ bản. GS Ngô Bảo Châu khi giao lưu với sinh viên một trường đại học ở Mỹ nhận được câu hỏi “phát minh của anh ứng dụng ở đâu?”. Anh Châu trả lời “chả ở đâu cả”. Chúng ta không thể nói trước điều gì nhưng biết đâu. Có những nghiên cứu cơ bản ban đầu không có mục đích ứng dụng nhưng lại mang lại giá trị lợi ích khổng lồ. Cũng không nên đối lập giữa hai loại hình này vì nghiên cứu cơ bản là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng để tạo ra sản phẩm cho xã hội.

“Nhờ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản mà ở viện tôi hơn 20 nhà khoa học trẻ đã về nước. Ở các nước tiên tiến tỷ lệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là 50-50. Việt Nam đang thiếu thốn thì có thể là 30-70%” - GS Nguyễn Đức Chiến nói.

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm, nghiên cứu cơ bản là cái móng cho phát triển tầm cao, móng ấy không vững, không chắc thì không thể vươn cao. Hiểu đơn giản là  đầu tiên phải đi tìm nghiên cứu, quy luật sau đó mới phát triển thành công nghệ, sản phẩm. Muốn phát triển khoa học ứng dụng thì phải trên nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc. Ở nước ta nhiều khi vị trí của nghiên cứu cơ bản chưa được đánh giá đúng mực.

Quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu rất chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Thành phần hội đồng gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành do cộng đồng các nhà khoa học bầu lên và thường có thêm hai nhà khoa học uy tín quốc tế. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học đầu ngành trong nước và từ một đến ba nhà khoa học có uy tín trên thế giới. Các công trình được  tặng giải thưởng đều nằm trong top 3% danh mục hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành của thế giới.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).