Nhân vụ kỷ luật tiến sỹ “bôi nhọ” trường trên Facebook:

Xin tài trợ nghiên cứu khó như đi bộ lên Mặt trăng

TS Trần Thị Ngọc Lan trong phòng thí nghiệm.
TS Trần Thị Ngọc Lan trong phòng thí nghiệm.
TP - Sau vụ kỷ luật TS Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, TS Trần Thị Ngọc Lan, nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, góp ý việc thực hiện chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam. Bà nói rằng, việc xin tài trợ nghiên cứu khoa học khó như đi bộ lên Mặt trăng.

Nhà nước đã bao giờ thống kê số người Việt Nam học xong không quay về? Hãy thử thống kê trong số 16.000 công dân Việt Nam đang sống ở Singapore, bao nhiêu là sinh viên, bao nhiêu là người đang cống hiến tri thức, sức lực cho nước bạn. Tại sao họ lại thu hút được trí thức của chúng ta? Tôi đã rất xấu hổ khi bạn tôi, giáo sư trường NUS, khi hỏi thăm gia đình của tôi đã nói một câu: “những đứa con của bà sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước chúng tôi”.

Làm việc nhiều năm, trung thành với sự nghiệp giáo dục và khoa học từ khi về nước đến nay trên 36 năm, có nhiều học sinh ở lại nước ngoài, tôi thấu hiểu vì sao giới khoa học trẻ lại không mặn mà trở về quê hương. Tôi hiểu vì sao nếu trở về thì phần lớn lại không phát huy được khả năng khi làm việc cho các cơ quan nhà nước, trong đó có các trường, viện.

Một thạc sĩ, tiến sĩ, lương ban đầu khoảng 3 triệu một tháng, thua cả thợ hồ, người bán rau, bán vé số. Vậy những nhà khoa học làm gì để tồn tại? Phần lớn họ kiếm sống bằng bán cháo phổi, đi dạy cho các trường tư, tăng số tiết dạy trong trường mình, hay dạy kèm. Chỉ một phần nhỏ giới khoa học là có các đề tài nghiên cứu khoa học, tuy nhiên thu nhập từ đề tài cũng không lớn, chẳng là gì so với đi dạy cho trường tư hay ra làm cho công ty nước ngoài.

Vị trí làm việc không tương xứng. Tôi từng dạy cho một trường công ở ĐBSCL, thấy một thạc sĩ tốt nghiệp ở Đại học Oxford được phân công làm giáo vụ, đơn giản vì chẳng có ngành học nào tương xứng với chuyên môn của anh này để mà dạy.

Người Việt Nam có câu: “Sống lâu lên lão làng”. Tâm lý đó ngự trị khắp nơi. Đáng tiếc, rất nhiều nơi, các “lão làng” đó lại thiếu trình độ, cả về năng lực chuyên môn lẫn lãnh đạo. Những “lão làng” như vậy luôn tìm cách nhấn những bạn trẻ có học xuống để giữ vị thế của mình, nên các bạn trẻ gặp khó khăn trong công tác và khó thăng tiến.

Thiếu môi trường, kinh phí và cơ sở vật chất cho nghiên cứu, đặc biệt ở các trường nhỏ và các trường tỉnh.

Việc xin tài trợ nghiên cứu khoa học cực kỳ khó, phải có “quan hệ” và nhiều nơi, việc xét đề tài rất thiếu minh bạch. Bản thân tôi đã thử xin tài trợ nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM và các tỉnh, nhưng luôn bị từ chối. 

Lĩnh vực mà ở Việt Nam chỉ có một vài người nghiên cứu, trong đó tôi là người đứng đầu, nhưng chuyên gia phản biện lại chẳng có chuyên môn liên quan. Với tôi, xin đề tài nghiên cứu ở các Sở chẳng khác gì đi bộ lên Mặt trăng. 

Tôi chỉ xin được tài trợ của SIDA (Thụy Điển), JSPS (Nhật Bản), và áp dụng vào thực tế để giải quyết một số vấn đề về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần tăng sự minh bạch trong việc cấp các đề tài nghiên cứu khoa học.

 “Tại sao các nhà khoa học không mặn mà áp dụng thành quả nghiên cứu của mình vào thực tế? Để các nhà khoa học áp dụng thành quả nghiên cứu vào thực tiễn, cần có chính sách rộng mở hơn, thủ tục phải đơn giản, không nên có sự bôi trơn. Các nhà khoa học rất ngại va chạm với các cơ quan công quyền. Khi đưa ý tưởng vào thực tế, chỉ cần vài rắc rối, vòi vĩnh là họ buông xuôi”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.