Xói mòn bờ biển do khai thác cát

Hoạt động hút cát nạo vét ồ ạt kéo dài nhiều cây số ở biển Phú Quốc có nguy cơ gây sạt lở vào đất liền. Nghiêm trọng hơn cồn cát nằm cạnh đó (Cồn Dương) nay đã mất dạng không còn nữa.

Không có cát dùng, vẫn đưa cát bán?

Tại tỉnh Kiên Giang, đê biển từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh bị xói lở nghiêm trọng, diện tích đất rừng đang đứng trước nguy cơ bị nước biển xóa sổ, vì vậy diện tích đất ngày càng thu hẹp. Tất cả nơi này đều cần được bồi đắp nhưng không có cát để bồi.

Xói mòn bờ biển do khai thác cát ảnh 1

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khai thác cát lậu tràn lan, tiền vào túi ai?

Tuy nhiên, nghịch lý là tỉnh Kiên Giang lại có cát xuất khẩu, mà xuất khẩu với giá rẻ bèo! Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cát sang Singapore, giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí nơi có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Chỉ tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, có tổng cộng hàng chục tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hàng ngàn tấn.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Mình tạo ra sự phát triển về mặt kinh tế hay dân sinh, công nghiệp… thì phải có những hy sinh về mặt môi trường. Tuy nhiên, mình phải hết sức cân nhắc. Vừa qua, chúng ta khai thác quá mức của thiên nhiên thì chúng ta phải trả giá, mà giá phải trả là phải tính vào giá thành chúng ta đầu tư; đồng thời cũng nên xem xét lại là vừa qua, cũng cấp phép xuất khẩu cát. Điều này rất vô lý, là trong khi đồng bằng mình đang ngày càng tan rã, mà mình đi lấy cát để bán qua Singapore.

Tại sao Singapore không cho khai thác cát, mà còn mở rộng lãnh thổ ra? Trong khi chúng ta không bồi đắp, mà lại bán đi. Cho nên nếu cần, thì mình phải nhập khẩu cát. Vẫn có thể khai thác cát trong nước chứ không phải cấm hoàn toàn, nhưng phải thận trọng trong đánh giá tác động môi trường. Phát triển kinh tế bao giờ cũng phải đánh đổi, nhưng đừng quá mức. Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất 500 ha đất. Mất là không lấy lại được. Vì thế, phải cân nhắc khi chúng ta lấy cát để san lấp một khu nào đó.

Ví dụ như một số địa phương cho phép đầu tư sân golf, mà như vậy thì phải thổi cát lên. Dự án này đã lấy cát, làm mất đất chỗ khác, nay đến đây lại thổi cát lên nữa, rất phí. Chưa kể, việc thổi cát còn gây ra ô nhiễm nguồn nước… Theo dư luận, những đầu tư đó là thiếu thận trọng, đã từng phải trả giá ở những vùng khác. Vì thế, chúng ta có cần phải đánh đổi để tiếp tục cho hút cát vô tội vạ ở Phú Quốc hay không?

Xói mòn bờ biển do khai thác cát ảnh 2

Xói mòn bờ biển do khai thác cát ảnh 3 Hàng chục tàu và sà lan kèm ống hút, máy bơm đang neo đậu để “ăn” cát.

Phản đối tận thu cát

Chiều 25/5, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại phiên họp tổ kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lại vấn đề khai thác cát lậu. “Báo chí đăng đã xuất qua Singapore 67 triệu m3, còn khai thác cát lậu trong nước bao nhiêu?”. Theo ông Nghĩa, cần phải làm rõ lợi ích thu được từ khai thác hàng chục triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 bán qua Singapore. Số tiền này “chui” vào túi ai và đi vào ngân sách được bao nhiêu? Quan trọng hơn, cái giá phải trả cho việc hút hàng trăm triệu tấn cát như thế nào?

“Tăng GDP nhưng đánh đổi bằng những hậu quả mà báo chí vẫn đăng chuyện xóm này xóm kia bị sạt lở, hàng chục căn nhà bị cuốn xuống sông, biển. Nghe nói nhiều bí thư, chủ tịch các địa phương ủng hộ nhưng cũng có nhiều người không muốn khai thác cát, còn Bộ thì cấp phép cho tư nhân” - ông Nghĩa nói thêm.

Còn ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Rất tâm tư trước việc cát ở Phú Quốc vẫn đang chảy sang Singapore. Theo ông Hưng, địa phương đã có kiến nghị cho tạm dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài, tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất của địa phương và phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ông Hưng bày tỏ mong muốn có thể được sử dụng lại chính cát của Phú Quốc để phục vụ cho mục đích của địa phương. Theo ông Hưng, việc tiếp tục khai thác, nạo vét tận thu cát có thể sẽ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các khu vực khác.

“Nguyên lý trong khai thác cát là vậy, nạo vét chỗ này sẽ sạt lở chỗ khác” - ông Hưng lo lắng. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc mới có mong muốn được giữ lại cát để bồi lấp cho những khu vực bị sạt lở hoặc những bãi biển còn đang thiếu cát.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 67 triệu m3 cát sang thị trường Singapore với giá chỉ 1 USD/m3, rẻ gấp nhiều lần so với giá thị trường thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng khai thác cát ở các địa phương vẫn diễn ra ồ ạt như hiện nay thì nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt, châu thổ sẽ lùi dần và biến mất, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Sự mất mát đó không thể đem ra đong đếm với chút lợi nhuận cỏn con mà các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cát mang về.

MỚI - NÓNG