Vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn: Vinalines cũng không muốn bán toàn bộ

Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi lại 75% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã bán cho Cty Cp Đầu tư và Khoáng sảng Hợp Thành.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi lại 75% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã bán cho Cty Cp Đầu tư và Khoáng sảng Hợp Thành.
TPO - Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn (Bình Định). Theo đó, dù Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã có kiến nghị tiếp tục giữ lại 49% cổ phần tại Công ty CP cảng Quy Nhơn, nhưng Bộ GTVT vẫn trình Thủ tướng và chỉ đạo Vinalines thoái toàn bộ vốn tại cảng này.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước khi trình Thủ tướng xin thoái hết 49% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, là cần đánh giá lại vấn đề kinh tế, an ninh – quốc phòng hiện tại và lâu dài, trước khi bán hết vốn nhà nước tại cảng này. 

Cùng đó, dù Vinalines đã có văn bản 1874/HHVN-TC&QLVG ngày 2/6/2014 gửi Bộ GTVT, báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của cảng Quy Nhơn; lợi ích hiện tại và lâu dài của việc tiếp tục giữ lại 49% vốn tại cảng Quy Nhơn. 

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung mà Vinalines đã báo cáo, kiến nghị. Thay vào đó, Bộ GTVT lại có văn bản 9210/BGTVT-QLDN ngày 5/9/2014 đề nghị Thủ tướng cho bán hết toàn bộ 49% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. 

Văn bản 9210 của Bộ GTVT, theo Thanh tra Chính phủ là thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines.

Theo văn bản 1874/HHVN-TC&QLVG ngày 2/6/2014 của Vinalines, tới thời điểm báo cáo văn bản này, Vinalines đã bán xong 51% vốn tại cảng Quy Nhơn theo phê duyệt của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GTVT (chỉ còn giữ 49% vốn). Dù theo Quyết định của Thủ tướng về tái cơ cấu Vinalines, cảng Quy Nhơn là 1 trong 9 cảng Vinalines tiếp tục nắm giữ 75% vốn điều lệ sau cổ phần hoá.

Đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng của cảng Quy Nhơn, Vinalines cho rằng, cảng Quy Nhơn được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) nằm trong hệ thống cảng biển do Vinalines quản lý. được xác định là cảng trọng điểm phát triển của Tổng cty tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thực tế, cảng Quy Nhơn hoạt động hiệu quả, năm 2010 mang về lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng; năm 2012 lợi nhuận tăng lên 20,6 tỷ đồng; năm  2013 đạt lợi nhuận 25 tỷ đồng…

Cùng với lợi nhuận mang về, cảng Quy Nhơn cũng giúp Vinalines thiết lập hệ thống cảng biển và dịch vụ hàng hải, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần thúc đẩy sự phát triển của Vinalines. Vinalines cũng định hướng tiếp tục đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn… “Do đó, trong dài hạn, Vinalines sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc duy trì tỷ lệ sở hữu 49% so với việc bán toàn bộ phần vốn này tại cảng Quy Nhơn”, Vinalines phân tích.

Ngoài ra, theo Vinalines, khi thực hiện cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, Vinalines cam kết tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 49% đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, việc bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không nằm trong kế hoạch, chủ trương đã công bố, ảnh hưởng tới tâm lý của tổ chức, cá nhân đã đầu tư mua cổ phần của cảng, đặc biệt là các thế hệ người lao động cảng Quy Nhơn.

Đồng thời, cảng Quy Nhơn còn thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, khi giảm giá dịch vụ từ 10-20% với hàng hoá là nông, lâm sản của của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thông qua cảng. Trong bối cảnh đó, nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại cảng này, mục đích an sinh xã hội như trên sẽ không thực hiện được.

Khi họp người lao động của cảng Quy Nhơn, tất cả đều biểu quyết kiến nghị nhà nước tiếp tục nắm giữ 49% vốn tại cảng này.

Từ các phân tích trên, Vinalines đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, trình Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu của Vinalines tại cảng Quy Nhơn là 49%. 

Trong trường hợp Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo thoái toàn bộ 49% vốn còn lại, Vinalines sẽ thực hiện theo đúng quy định.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.