Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0

PVN tiên phong áp dụng CMCN 4.0 trong thăm dò và khai thác dầu khí. Trong ảnh, giàn điều khiển trung tâm mỏ Bạch Hổ
PVN tiên phong áp dụng CMCN 4.0 trong thăm dò và khai thác dầu khí. Trong ảnh, giàn điều khiển trung tâm mỏ Bạch Hổ
TP - Với truyền thống đi đầu áp dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiên phong đón đầu luồng gió mới từ cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) để đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ 

PVN đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 trên tinh thần tất cả các thành viên của Tập đoàn có tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 
Xây dựng “big data” ngành Dầu khí 

PVN và các đơn vị thành viên Tập đoàn sẽ xây dựng kế hoạch, chủ động đón đầu những thành tựu công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. PVN thống nhất nhận thức rằng, CMCN 4.0 có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đây là cơ hội và cũng là thách thức để có giải pháp tận dụng cơ hội đặc biệt này. Đổi mới, sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng, mang lại sức cạnh tranh mới trong tương lai.

Lãnh đạo PVN cho biết, Tập đoàn đã và đang thực hiện công tác đào tạo, chuẩn hóa thích ứng với CMCN 4.0 như tổ chức các hội thảo về CMCN 4.0 trong các khâu của công nghiệp dầu khí để cập nhật kịp thời về thông tin áp dụng cho các đơn vị và PVN. Đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện dự án xây dựng chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành, cài đặt trên hệ thống thông tin của PVN và kết nối trực tuyến áp dụng cho các đơn vị trong toàn ngành.

PVN cũng sẽ xây dựng và đầu tư khai thác tiềm năng của “big data”, “kết nối” và “Internet vạn vật”. Trong đó, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống các “big data” về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.

Khẳng định vai trò của CMCN 4.0 tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN nhiệm kỳ 2017-2019, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định: “CMCN 4.0 là sự phát triển tất yếu của thế giới, có tác động, ảnh hưởng hết sức to lớn đến mọi mặt của đời sống, tự nhiên và xã hội của tất cả các quốc gia. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất, quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát huy các lợi thế của cuộc cách mạng này. PVN sẽ không đứng ngoài cuộc cách mạng này, tất cả các thành viên của Tập đoàn cần có tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Ông Bùi Ngọc Dương, Phó trưởng ban phụ trách Ban Khí & Chế biến Dầu khí (PVN) đánh giá, việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 khả quan. Hầu hết nhà máy chế biến dầu khí đều áp dụng các hệ thống tự động điều khiển phân tán và các hệ thống bảo vệ an toàn, hệ thống tự động phát hiện rò rỉ, báo cháy... với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Còn đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì hầu hết các nhà máy đều đã và đang đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị, điều hành và sản xuất, kinh doanh với các phần mềm hiện đại. Ngoài ra, các hệ thống quản trị khác như ISO, KPI, quản lý an ninh, an toàn... đều được áp dụng một cách tối ưu.

Trong đó, việc nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy lọc hóa dầu sẽ cần nâng cao việc áp dụng các phần mềm dự báo tình trạng thiết bị, lập kế hoạch bảo dưỡng... để nâng cao năng suất vận hành, giảm thời gian dừng vận hành. Việc này cũng sẽ giúp quản lý an toàn hơn nhờ đánh giá, kiểm tra được tình trạng an toàn của máy móc, thiết bị, quá trình làm việc của từng người tại từng thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng CMCN 4.0 vào việc mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh nhờ các công cụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng dịch vụ, sản phẩm thông minh. Nâng cấp chất lượng sản phẩm, công suất, hiệu suất các nhà máy hiện hữu thông qua cải tiến kỹ thuật. Cũng có thể thông qua mạng lưới Internet để tìm hiểu hoạt động của khách hàng. Từ đó mở rộng sản xuất các sản phẩm mới theo nhu cầu thực tế.

Chủ động tham gia 

Ông Hoàng Thế Dũng - Phó trưởng ban Công nghệ - An toàn & Môi trường PVN cho biết, Tập đoàn nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị để nghiên cứu, tìm hiểu và tìm giải pháp đưa CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Trong năm 2017, Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động mà nhiệm vụ trọng tâm là tìm hiểu, nâng cao nhận thức về CMCN 4.0 như: Thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng liên quan đến nội dung CMCN 4.0. Cử nhiều lượt cán bộ tham gia các hội thảo lớn chuyên đề về CMCN 4.0 do các bộ, ngành tổ chức. Tổ chức “Hội thảo CMCN 4.0 và ứng dụng trong khâu sau” chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh các đơn vị có nhà máy chế biến Dầu khí” với sự tham gia của tất cả các đơn vị khâu sau.

PVN và các đơn vị đã chủ động phối hợp với một số hãng công nghệ lớn tổ chức các hội thảo chuyên đề về CMCN 4.0, chủ đề chuyên sâu về kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Chủ động đưa chuyên đề về CMCN 4.0 vào các chương trình nghị sự của các kỳ họp tiểu ban và Hội đồng KHCN định kỳ trong năm 2017 với nhiều báo cáo để các chuyên gia có ý kiến đóng góp và thảo luận.

 CMCN 4.0 có thể tác động trực tiếp đến các đề án, dự án đầu tư phát triển sản xuất và đổi mới, sáng tạo công nghệ của PVN và các đơn vị hiện nay; tác động đến yếu tố về con người - nguồn nhân lực dầu khí và tác động mạnh, trực tiếp vào công nghệ thông tin (CNTT) và tự động hóa ứng dụng trong các hệ thống sản xuất kinh doanh của PVN.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 là cơ hội có thể cải hoán, đổi mới về phương thức sản xuất hiện tại (tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất nhà máy, tiết giảm chi phí); cơ hội để có thể lựa chọn các giải pháp công nghệ (nhà máy thông minh, hệ thống khai thác dầu khí thông minh). Áp dụng, đổi mới về mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; hỗ trợ quản lý và ra quyết định bằng xử lý số liệu; cơ hội cải thiện sự an toàn lao động của CBCNV trong môi trường sản xuất khắc nghiệt ngoài biển, môi trường độc hại tại các nhà máy lọc dầu, công trình dầu khí.

“CMCN 4.0 là sự phát triển tất yếu của thế giới, có tác động, ảnh hưởng hết sức to lớn đến mọi mặt của đời sống, tự nhiên và xã hội của tất cả các quốc gia. PVN sẽ nắm bắt cơ hội để đổi mới phương 

Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1

thức sản xuất, quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát huy các lợi thế của cuộc cách mạng này”.
Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, nguyên Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN NGUYỄN QUỲNH LÂM

Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 2 Kỹ sư nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành nhà máy trên hệ thống công nghệ hiện đại
HÒA MÌNH VÀO DÒNG CHẢY
Các đơn vị trực thuộc PVN đã và đang áp dụng công nghệ mới để có thể hoà mình vào dòng chảy CMCN 4.0. Các nhà máy chế biến dầu khí có quy mô tài sản lớn, công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp; đồng thời có nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao là điều kiện tiên quyết để áp dụng CMCN 4.0.

Xây dựng các ứng dụng công nghệ mới 

Theo lãnh đạo PVN, mỗi đơn vị thành viên có những nội dung thích ứng với CMCN 4.0 riêng. Nhưng đa số các đơn vị của PVN thực hiện mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp thông minh, xây dựng các hệ thống “big data” về sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Từ đó, hỗ trợ các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định, triển khai thực hiện “Văn phòng điện tử” (số hóa, lưu trữ tài liệu/số liệu tập trung và chia sẻ thông tin qua mạng, văn phòng không giấy, điện tử hóa quản trị văn phòng).

Mặt khác, các đơn vị có thể thích ứng CMCN 4.0 trong thực hiện tối ưu hóa và tiết giảm chi phí sản xuất như từng bước “số hóa” hệ thống sản xuất, cho phép theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và tài sản. Kết nối, xây dựng “big data” và phân tích dữ liệu tình trạng thiết bị để cảnh báo sớm tình trạng hỏng hóc thiết bị, triển khai giải pháp “bảo trì tiên đoán” để tiết giảm chi phí bảo trì, giảm thời gian ngưng trễ, kéo dài tuổi thọ của tài sản…

Là một trong những trụ cột của ngành dầu khí, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) nhận thức rõ được tầm quan trọng của công nghệ và tự động hóa trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam với công nghệ hiện đại theo bản quyền các phân xưởng công nghệ cũng như máy móc thiết bị của Mỹ và châu Âu.

Nhà máy được thiết kế chi tiết và xây dựng, chạy thử bởi Tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp), JGC (Nhật) và các nhà thầu phụ có năng lực khác. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống điều khiển vận hành DSC, hệ thống bảo vệ an toàn công nghệ ESD, hệ thống phát hiện rò rỉ và báo cháy... Tất cả đều là những hệ thống hiện đại bậc nhất. Ngoài ra, còn có hệ thống an ninh, an toàn và quản lý theo ISO khá hoàn thiện, đồng bộ đảm bảo quản trị hiệu quả, tối ưu.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, để triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho CMCN 4.0, BSR sẽ tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các hạng mục công việc theo lộ trình kế hoạch phát triển tổng thể công nghệ thông tin (IT Master Plan).

Đồng thời trình duyệt và thành lập Ban Công nghệ thông tin nhằm tập trung nguồn lực và đội ngũ chuyên trách để chủ động thích ứng với CMCN 4.0. Năm 2016, BSR đã hoàn thành xây dựng lộ trình IT Master Plan cho giai đoạn 2016-2021 và định hướng đến 2025. Chương trình này sẽ đưa ra 42 hạng mục giải pháp cần thực hiện theo 6 cấp độ ưu tiên từ cao đến thấp giai đoạn 2016-2021 nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho BSR.

Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 3 Chương trình PVOIL Easy áp dụng CMCN 4.0 của PVOIL 
Mục đích của kế hoạch này nhằm đồng bộ lộ trình triển khai các giải pháp công nghệ thông tin với chiến lược sản xuất kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của công ty giai đoạn 2016-2021; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp của BSR; tăng tính minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện cổ phần hóa. “BSR sẽ tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các hạng mục công việc theo lộ trình IT Master Plan đã được xây dựng nhằm nhanh chóng thích ứng và bắt kịp với cuộc CMCN 4.0”, ông Nguyên khẳng định.
Bắt tay vào thực tế

Là đơn vị thành viên của PVN, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) ứng dụng CMCN 4.0 trong dịch vụ chăm sóc khách hàng. PVOIL xác định, cần nắm bắt cơ hội, đón đầu, ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ từ CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh, quản lý để mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các doanh nghiệp trong và nước ngoài. Trước tiên, PVOIL tập trung ứng dụng CNTT, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

Với thế mạnh có khoảng 1.670 khách hàng trên toàn hệ thống thực hiện theo hình thức hợp đồng ký với đơn vị kinh doanh mua hàng trực tiếp qua trụ bơm tại các cửa hàng xăng dầu, sản lượng bình quân 11.240m3/tháng. Trong đó, nhóm khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải khoảng chiếm đa số. Đây là nhóm khách hàng có uy tín công nợ và sản lượng tiêu thụ ổn định, có nhu cầu kiểm soát mua xăng dầu và phát sinh công nợ của từng đầu xe trên toàn tuyến quốc lộ.

Để có chính sách quản lý, phát triển nhóm đối tượng khách hàng này, ban lãnh đạo PVOIL xác định, cần đưa CMCN 4.0 với các thiết bị cầm tay có khả năng kết nối với giữa người bán hàng và khách hàng để xây dựng mạng lưới bán lẻ xăng dầu, qua đó mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của thương hiệu PVOIL.

PVOIL tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 4

Cửa hàng bán xăng dầu của PVOIL áp dụng hoá đơn điện tử phục vụ khách hàng


Nắm bắt được xu thế ứng dụng mã QR trong bối cảnh bùng nổ Internet và thiết bị di động thông minh như hiện nay, PVOIL đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ này vào việc xây dựng và phát triển hệ thống quản lý khác hàng với tên gọi chương trình PVOIL Easy. Theo đó, PVOIL đã ứng dụng giải pháp thẻ điện tử (digital card), đọc QR code trên thiết bị di động của tài xế và nhân viên bán hàng để thực hiện giao dịch mua bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu của PVOIL.

Để tham gia chương trình “PVOIL Easy”, khách hàng chỉ cần ký hợp đồng với một đơn vị kinh doanh của PVOIL, sau đó có thể mua xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu bất kỳ trong toàn hệ thống PVOIL trên cả nước nhưng chỉ thanh toán vào cuối kỳ cho đơn vị kinh doanh đã ký hợp đồng.

Giải pháp này giúp cho khách hàng của PVOIL được cung cấp công cụ quản lý thông minh, hiện đại cài trên thiết bị di động, kiểm soát giao dịch mọi lúc, mọi nơi; có thể mua xăng dầu tại bất kỳ cửa hàng nào thuộc PVOIL trong phạm vi toàn quốc; có thể quản lý thời gian, địa điểm, lượng hàng, phương tiện mua hàng, hạn mức giao dịch… của từng nhân viên/tài xế. Nhân viên/tài xế của khách hàng không phải mất thời gian và công sức trong việc quản lý hóa đơn đổ xăng và kiểm soát, đối chiếu giao dịch với kế toán cuối kỳ; khách hàng được cấp hạn mức tín dụng, thanh toán 1 lần vào cuối kỳ.

Hay câu chuyện thích ứng CMCN 4.0 tại các dự án của Cty điều hành dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC). Ngay khi thiết kế, xây dựng dự án, công ty đặt ra mục tiêu trang bị hệ thống giám sát và vận hành khai thác, phát triển mỏ. Đưa ra một số yêu cầu bắt buộc phù hợp với thực tế như hệ thống điều khiển từ xa và thời gian thực hiện. Từ đó, việc Phú Quốc POC cần trang bị và thích ứng với công nghệ “truyền dẫn kết nối” với băng thông rộng mới có thể truyền số liệu và điều khiển quá trình từ trung tâm điều khiển trên bờ ra tới các giàn điều khiển trung tâm, đầu giếng…

Đồng thời Phú Quốc POC cũng thích ứng công nghệ “cảm biến” và công nghệ “kết nối tích hợp hệ thống” để lấy số liệu từ hệ thống thiết bị công nghệ khai thác, tất cả các số liệu về sản lượng khai thác, tham số địa chất dầu khí của mỏ đo được, số liệu về tham số kỹ thuật, trạng thái thiết bị công nghệ của hệ thống khai thác và lưu trữ tập trung phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích phát triển mỏ. 

“Đa số các đơn vị của PVN thực hiện mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp thông minh, xây dựng các hệ thống “big data” về sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Từ đó, hỗ trợ các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định, triển khai thực hiện “Văn phòng điện tử” như số hóa, lưu trữ tài liệu tập trung và chia sẻ thông tin qua mạng, văn phòng không giấy…”.

Tập đoàn Dầu khí đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 5 Các  dự án của Phú Quốc POC sẽ áp dụng CNTT để thông tin từ đất liền ra giàn khoan. Trong ảnh dự án khí Lô B Ô Môn của công ty
MỚI - NÓNG