Người Tiền Phong một thuở, một thời: Một phần của sử

Khu nhà TT 128 Hàng Trống
Khu nhà TT 128 Hàng Trống
TP - Việc ra báo đang ngon trớn thì đùng cái một đêm nhà in T.Ư Đoàn đột ngột bùng cháy. Ngọn lửa ác nghiệt phút chốc đã thiêu rụi cả cơ ngơi in ấn cực kỳ quan trọng và quý giá khi đó ở chiến khu Việt Bắc…

Vụ hỏa hoạn chẳng phải là vô tình. Một cuộc điều tra âm thầm bí mật. Hóa ra thủ phạm là nội bộ, ông Nguyễn Xuân Lôi phụ trách nhà in. Lôi ta xà xẻo tham ô nhiều khoản tài chính nhà in. Để phi tang, hắn cho cơ ngơi này một mồi lửa.  Sau cú hỏa hoạn ấy, không thể dựng nổi một nhà in khác vì điều kiện thiếu thốn khó khăn khi ấy của chiến khu. Không  có nhà in. Thế là việc làm báo lẫn in ấn đều bị xếp lại.

Tờ Sức Trẻ nối Xung Phong coi như bị đình bản!

Nghe thêm chuyện cụ Lượng để gẫm thêm cái công sức tâm huyết của ông Chủ nhiệm Nguyễn Lam. Cụ Lượng khẳng định rằng nếu không có vị Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Cứu quốc ấy thì sẽ không có tờ Tiền Phong. Lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Đoàn TN mà không có một tờ báo? Rằng bao nhiêu năm ông Nguyễn Lam đã đau đáu điều đó. Bao nhiêu năm là quãng thời gian dằng dặc từ năm 1950 thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi cơ ngơi in ấn của T.Ư Đoàn ấy, ông Nguyễn Lam đã ấp ủ đã sắm sanh cho nhiều dự định và công việc. Đầu tiên là phải có tiền. Ông Nguyễn Lam khi vận động khi nhờ vả các cơ sở Đoàn thanh niên khắp nơi ủng hộ vật chất để T.Ư Đoàn ra báo. Từ năm 1950 đến năm 1953 các cơ sở Đoàn đã ủng hộ được hơn 2 triệu tiền Ngân hàng quốc gia Việt Nam gửi về T.Ư Đoàn. Rồi phải lo khâu nhân sự, phải giữ được người để làm báo. Ông Phan Hiền, sau này là một yếu nhân của Bộ Ngoại giao khi đó đã riết róng cùng thủ thỉ cái việc xin T.Ư Đoàn họa sĩ Tôn Đức Lượng và nhiếp ảnh gia Mai Nam sang công tác ở Bộ Ngoại giao. Họa sĩ Phan Kế An, con trai cụ khâm sai đại thần Phan Kế Toại khi đó đương là họa sĩ của tờ ̣ Thật danh giá và nổi tiếng ở chiến khu cũng nằng nặc mời Tôn Đức Lượng và Mai Nam sang làm. Nhưng ông Nguyễn Lam động viên hai anh em cứ yên tâm ở lại. Rằng sắp tới phải ra bằng được một tờ báo của Đoàn thanh niên. Hai anh em vốn quen người thuộc việc mà đi thì mai kia xoay xở ra sao? Mai kia cụ thể là khi nào? Mọi thứ còn mịt mù lắm… Nhưng nể ông Nguyễn Lam, hai anh em Tôn Đức Lượng đành vui vẻ làm cán bộ phong trào để đợi! Họa sĩ Tôn Đức Lượng may mắn có thời gian để đi đây đó lấy ký họa. Mai Nam cũng vác máy ảnh về cơ sở… Và sau này cả hai anh em đều góp công sức, đều là chủ công trong việc ra tờ Tiền Phong ở chiến khu Việt Bắc tháng 11/1953 tại Bản Dõn, Sơn Dương ra sao. Nhiều bài báo đã viết về sự kiện này. Khỏi nhắc lại.

Những mẩu hồi ức của cụ Lượng như trường đoạn của một cuốn phim thú vị quay chậm.  Chủ nhiệm tờ Tiền Phong Nguyễn Lam khi tiếp quản Thủ đô mới hơn ba mươi nhưng tính tình điềm đạm chắc chắn. Ở chiến khu về tiếp quản Thủ đô,  cả bộ sậu 6 người của Tiền Phong do ông Nguyễn Lam phụ trách có thêm anh Đỗ Cao Đáng ở tỉnh Đoàn Phú Thọ mới về báo.  Tất cả tá túc tạm ở Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108) ít ngày. Rồi chuyển về 64 Bà Triệu. Rời tiếp về số 3 Hồ Xuân Hương rồi Phùng Hưng. Rồi về 45 Hàm Long  (Mãi sau đầu năm 60 mới chuyển về 15- Hồ Xuân Hương).

Người Tiền Phong một thuở, một thời: Một phần của sử ảnh 1 Bức tranh đón báo Tiền Phong từ nhà in 
về của HS Tôn Đức Lượng

Báo khi ấy ra mỗi tháng hai kỳ. Sau nữa, năm 1959 ba kỳ/ tuần. Giá từ 150 đồng xuống 80 đồng/ tờ. Trước mỗi kỳ ra báo, bộ sậu Tiền Phong lại họp để quyết định nội dung hình thức. Mặc dù với cương vị Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhưng trước thời điểm chuẩn bị ra số báo mới, Chủ nhiệm Nguyễn Lam vẫn dành thời gian ngồi bàn soạn cụ thể với anh em. Bên vị Chủ nhiệm bao giờ cũng kè kè một Thư ký tòa soạn Nguyễn Thanh Dương. Nguyễn Thanh Dương như con dao pha, từ việc viết một mẩu tin đến viết phóng sự xã luận cả việc chụp ảnh nữa chẳng nề hà. Hội nghị Quân sự Trung Giã song song với Hội nghị Genève, duy nhất chỉ có 2 phóng viên Việt Nam  là Thông tấn xã Việt NamTiền Phong được tham dự để hoạt động nghiệp vụ. Phóng viên  Nguyễn Thanh Dương, thông thạo tiếng Pháp, com lê cà vạt chen vai thích cánh cùng các đồng nghiệp AFP, UPI, AP… hành nghề. Cũng nói thêm, Nguyễn Thanh Dương là tác giả loạt bài báo trên Tiền Phong ở chiến khu năm 1953 về cố nông Trần Bình Lục ở Phú Thọ nghèo khổ đã đổi đời ra sao trong Cải cách ruộng đất. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đọc thấy thú quá tìm đến nèo Nguyễn Thanh Dương cùng về gặp anh cố nông Trần Bình Lục để có cuốn Truyện anh Lục khá nổi tiếng, sau này đoạt giải của Hội nhà văn. Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương những năm giữa bảy mươi chuyển sang làm Biên ủy Báo Nhân Dân. Một thời gian dài là hàng xóm áp tường với người viết bài này. Khi về hưu, giữa những hơi thuốc lào, ông Dương cặm cụi dịch cuốn sách của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận có têñn độn và hài hòa.

Ngồi bên thư ký Tòa soạn Nguyễn Thanh Dương còn có nhà báo Văn Quý. Sức viết khá. Ngoài báo lại cả văn. Có bài Mưa Đêm của tác giả Văn Quý ký là Vũ Giang được đưa vào sách giáo khoa lớp bốn thời tôi đi học. Trong gia đình Tiền Phong lớn có gia đình nhỏ Văn Quý - Lê Thị Túy.  Chị Túy là biên ủy Tiền Phong có thời gian phụ trách mảng nông nghiệp. Hai người hàng xóm thương mến của tôi là anh Nguyễn Thanh Dương, Văn Quý đã là người thiên cổ.

…Cụ Lượng cứ tấm tắc mãi về cái đức điềm đạm chắc chắn của vị thủ trưởng tiền nhiệm trực tiếp của mình là Chủ nhiệm Nguyễn Lam. Khi anh Nguyễn Thanh Dương chắc chân ở vị trí điều hành quản trị tờ báo, và Bí thư T.Ư Đoàn Lê Xuân Đồng được điều về làm Tổng Biên tập, ông Nguyễn Lam mới yên tâm và chuyên tâm hẳn ở cương vị Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Cụ nói sau này ông ấy được đảm các chức hai lần Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy Ban kế hoạch Nhà nước kiêm Phó Thủ tướng Chính phủ là phải lắm!

Tôi có hỏi cụ Lượng, bây giờ các tờ Sức Trẻ và Xung Phong còn lưu ở đâu không? Cụ thở dài đánh sượt, giọng tiếc nuối là khi tiếp quản Thủ đô có rinh từ chiến khu về một thùng gỗ lớn tài liệu. Trong đó có những tờ ́c Trẻ, Xung Phong số đầu tiên. Lại cả tờ Tiền Phong đầu tiên ra ngày 16/11/1953. Về Thủ đô một thời gian tìm hỏi lại thì không biết thất tán đâu mất!

Vậy đấy. Một phần lịch sử báo Tiền Phong và rộng ra của cả T.Ư Đoàn đã bị thất tán và chắc dần đi vào quên lãng? Và chỉ còn trong ký ức mong manh của một bậc cao niên như cụ Lượng?      

(Còn nữa)

Tôi có hỏi cụ Lượng, bây giờ các tờ Sức Trẻ và Xung Phong còn lưu ở đâu không? Cụ thở dài đánh sượt, giọng tiếc nuối là khi tiếp quản Thủ đô có rinh từ chiến khu về một thùng gỗ lớn tài liệu. Trong đó có những tờ Sức Trẻ, Xung Phong số đầu tiên. Lại cả tờ Tiền Phong  đầu tiên ra ngày 16/11/1953. Về Thủ đô một thời gian tìm hỏi lại thì không biết thất tán đâu mất!

MỚI - NÓNG