THẾ GIỚI 24H: Iran không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi đã phủ nhận những tin đồn trên mạng Internet rằng cơ quan này đang chuẩn bị các động thái để rút khỏi JCPOA. (Nguồn: IFP)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi đã phủ nhận những tin đồn trên mạng Internet rằng cơ quan này đang chuẩn bị các động thái để rút khỏi JCPOA. (Nguồn: IFP)
TPO - Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn rằng Tehran sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

 Ông Qassemi nêu rõ: “Những tin đồn này là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở”. Theo ông Qassemi, chắc chắn một số thế lực nước ngoài cũng như trong nước đã đưa ra những suy đoán nhằm đánh lừa công chúng, gây ra những căng thẳng, cũng như tác động tiêu cực tới thị trường, thậm chí phá hoại sinh kế của người dân Iran.


Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/11 đã có bài phát biểu trước Quốc hội, để bảo vệ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Merkel cho rằng, Hiệp ước là một phần “lợi ích quốc gia” của Đức bởi nó góp phần cải thiện điều kiện di trú toàn cầu. Theo Thủ tướng Merkel, Hiệp ước toàn cầu về di cư cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, là những giải pháp đúng đắn cho các vấn đề toàn cầu.


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/11 cho biết ông tiếp tục hy vọng vào một cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào đầu năm 2019. Ông Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi tiếp tục đàm phán để hối thúc họ thực hiện cam kết mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng Triều Tiên. Điều này sẽ tuyệt vời đối với Mỹ và khu vực, cũng như người dân Triều Tiên, và tôi hy vọng rằng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào đầu năm 2019".


Ít nhất 10 người đã bị thương sau khi một quả bom phát nổ bên trong 1 nhà thờ Hồi giáo tại khu vực Chaman, thuộc tỉnh Balochistan, phía Tây Nam nước này tối 21/11. Hiện chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đứng ra xác nhận tiến hành vụ tấn công và quá trình điều tra đang được gấp rút tiến hành.


Ngày 20/11 Nga đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng chia rẽ trong Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) – tổ chức đóng vai trò giám sát vũ khí hóa học trên thế giới. Theo AFP, động thái của Nga diễn ra sau khi giữa Nga và các nước Anh, Mỹ đã nổ ra tranh cãi gay gắt tại Hội nghị thường niên của OPCW xung quanh đề xuất trao thêm cho OPCW quyền hạn mới là quy trách nhiệm các bên sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công được xác định có sử dụng vũ khí hóa học.


Trung Quốc đã xây dựng một mặt bằng mới ở một khu vực hẻo lánh của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, theo những hình ảnh vệ tinh gần đây mà một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có được. Về chuyện này, một tờ báo Trung Quốc hôm qua nói rằng nước này cần tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng các công trình dân sự trên các đảo ở biển Đông, bớt đi các công trình quân sự để làm dịu đi lo ngại trong khu vực về ý đồ của Trung Quốc. (XEM CHI TIẾT…)


Việc Mỹ điều động máy bay ném bom chiến lược B-52 bay áp sát khu vực Biển Đông trong bối cảnh nguy cơ va chạm giữa nước này với Trung Quốc trên biển gia tăng là động thái hết sức đáng chú ý. Hôm 19/11, Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) ra thông cáo cho biết, không quân nước này đã điều động 2 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 thực hiện nhiệm vụ tuần tra trinh sát tại khu vực gần Biển Đông. (XEM CHI TIẾT…)


Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ đặc biệt lo ngại trước việc Ukraine tiếp tục có những hành động gây căng thẳng tình hình tại vùng biển Azov. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: "Những hành động của Ukraine như tuyên bố thành lập căn cứ hải quân ở Berdyansk và đóng cửa một số khu vực của biển Azov để bắn pháo, chính là nhằm mục đích quân sự hóa biển Azov".


Theo một báo cáo vừa được giới chức Úc công bố vào ngày 20/11, theo đó cho thấy, trong năm 2018 này, Trung Quốc đã tăng mạnh các cuộc tấn công mạng nhắm vào các công ty của Úc "với một nỗ lực đáng kể và không ngừng", nhằm đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Đây là kết quả từ cuộc điều tra của tập đoàn truyền thông Fairfax Media và đài truyền hình thương mại Channel Nine của Úc, được tiến hành chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt "vụ đánh cắp sỡ hữu trí tuệ", tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây.


Theo RIA, Hội đồng Liên bang (thượng viện) Nga vào ngày 21/11 đã đề xuất để chuẩn bị sửa đổi các chính sách cốt lõi của nước này trong vấn đề hạt nhân, trong đó có quy định về điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Bản dự thảo của đề xuất này đã được thông qua bởi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG