Xét xử vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á hơn 3.600 tỷ đồng:

Trung tá công an tất toán khống 1.900 lượng vàng

Cựu trung tá Nguyễn Hồng Ánh tại phiên tòa hôm nay 27/11. Ảnh: Tân Châu
Cựu trung tá Nguyễn Hồng Ánh tại phiên tòa hôm nay 27/11. Ảnh: Tân Châu
TPO - Ông Nguyễn Hồng Ánh (trung tá, cán bộ Công an TPHCM) tất toán khống 1.900 lượng vàng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á (DAB) trên 53 tỷ đồng.

Chiều nay (27/11), tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xử vụ sai phạm tại DAB, đại diện VKS giữ công tố tại phiên tòa đã công bố bảng cáo trạng.

Đáng lưu ý là bảng cáo trạng mà công tố nêu tại phiên tòa này, dựa trên cơ sở bản kết luận điều tra bổ sung, có nội dung khác với bản Kết luận điều tra trước đây về trường hợp bị cáo Lê Hồng Ánh.

Cụ thể kết luận điều tra trước đây cho rằng, ông Nguyễn Hồng Ánh bị đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, (theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999) và cho rằng nguyên trung tá công an trong thời gian điều tra đã “Không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn”, vì vậy Cơ quan điều tra đề nghị “Xử lý ngiêm trong quá trình truy tố, xét xử”.

Tuy nhiên, sau lần điều tra bổ sung, ông Nguyễn Hồng Ánh bất ngờ nhận tội, cáo trạng công bố tại tòa cho rằng: Tháng 1/2008, Cựu trung tá Nguyễn Hồng Ánh đề nghị ông Trần Phương Bình (Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339m2 đất ở quận Phú Nhuận (TPHCM), quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền (quận 2, TPHCM) cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.

Tháng 1/2008, ông Trần Phương Bình phê duyệt đồng ý cho ông Ánh vay 2.000 lượng vàng, thời hạn cho vay là 12 tháng. Ngày 14/1/2008, ông Ánh ký nhận nợ số vàng này. Ngày 21/1/2009, ông Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho DAB. Nhưng thực chất, hai bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DAB vào ngày 24/1/2009. Đến 26/1/2010 ông Ánh trả 100 lượng vàng, nên trong cùng ngày, DAB tiếp tục làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho ông Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng, từ ngày 28/1/2010.

Ông Bình và ông Ánh đã bàn bạc, thống nhất để ông Ánh nộp 32 tỷ đồng, là tiền tiết kiệm của ông Ánh tại DAB, còn ông Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng của ông Ánh (tương đương 53 tỷ đồng).

Đáng lưu ý trong kết luận điều tra trước đây thể hiện ông Ánh không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn nên bị đề nghị xử nghiêm trong quá trình truy tố, xét xử. Cáo trạng công tố công bố tại phiên tòa cho rằng “ông Nguyễn Hồng Ánh đã thừa nhận hành vi ký chứng từ nộp khống 1.200 lượng vàng tại DongABank và ngày 30/8 vợ của ông Ánh cũng đã nộp 500 triệu đồng vào tài khoản của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mở tại kho bạc nhà nước tại TP Hà Nội khắc phục hậu quả cho ông Nguyễn Hồng Ánh”.

Ông Nguyễn Hồng Ánh bị khởi tố và bắt tạm giam tại nhà riêng ở KP6, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM vào ngày 24/11/2017, sau đó di lý ra trại giam T16 Bộ Công an để phục vụ điều tra. Hiện đang là bị cáo có mặt tại phiên tòa hôm nay.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.