Kính tự xác định mục tiêu trên chiến trường để đơn vị khác tiêu diệt

TPO - Bộ binh Mỹ đang thử nghiệm loại kính tích hợp hệ thống nhận dạng hình ảnh có thể tự động xác định các mối nguy cơ như xe tăng rồi cảnh báo cho toàn đội hoặc truyền dữ liệu về mục tiêu tới một khẩu đội tên lửa hoặc pháo nằm cách xa trận địa để họ tiêu diệt.

Quân đội Mỹ cũng như nhiều nước khác đang mong muốn biến mỗi người lính thành một bộ cảm biến để nhanh chóng truyền dữ liệu giá trị tới toàn bộ lực lượng thông qua mạng không dây.

Tính năng tự động xác định mục tiêu là một phần của Hệ thống tầm nhìn ảo tăng cường tích hợp (IVAS) mà bộ phận máy tính hình ảnh ba chiều HoloLens của Microsoft vừa giành được hợp đồng 2 năm trị giá 480 triệu USD hồi cuối tháng 11.

Giống như màn hình hiển thị trước mặt (HUD) của phi công máy bay chiến đấu, IVAS (trước kia gọi là HUD 3.0) là sự kết hợp của khả năng nhìn đêm dành cho bộ binh và công nghệ thực tế ảo (kiểu như kính Google Glass) để đưa tâm ống ngắm và các dữ liệu chiến thuật ra trước tầm nhìn của người đeo. Tâm ống ngắm được liên kết không dây với vũ khí của binh sĩ để chỉ chính xác vị trí mục tiêu mà đạn sẽ bắn tới.

Kính tự xác định mục tiêu trên chiến trường để đơn vị khác tiêu diệt ảnh 1 Người lính có thể nhìn rõ vật thể ở khoảng cách xa trong đêm tối thông qua kính ENVG-III được kết nối không dây và ống ngắm súng FWS-I. Quân đội Mỹ đang nâng cấp hệ thống này thành kính thực tế ảo tăng cường IVAS. Ảnh: Sydney Freedberg.

Một tính năng khác của IVAS là theo dõi tình trạng sức khỏe của binh sĩ và ghi lại các dữ liệu liên quan, như áp lực lớn của một vụ nổ bom gài ven đường để hỗ trợ việc điều trị thương binh.

Nhưng tính năng nhận dạng hình ảnh thì phức tạp hơn nhiều. Chuẩn tướng Chris Donahue, trưởng bộ phận hiện đại hóa bộ binh của quân đội Mỹ, nói: “Chúng tôi đang tạo sản phẩm mẫu”. Nhưng ông không tiết lộ đó là một bộ phận cấu thành IVAS hay là thiết bị phụ trợ. Ông chỉ nói rằng, “nó nằm trên thân”, ngụ ý rằng, đó là một loại camera nhỏ gắn trên người hoặc một bộ xử lý bổ sung không được tích hợp vào bản thân chiếc kính.

Vấn đề kỹ thuật phức tạp nhất là làm sao truyền được dữ liệu từ binh sĩ ở tiền tuyến về một khẩu đội tên lửa hoặc pháo binh cách xa mặt trận, tướng Donahue nói. Hiện nay, quân đội Mỹ có hai đơn vị hiện đại hóa khác có nhiệm vụ liên quan mạng lưới và đơn vị hỏa lực chính xác tầm xa (LRPF). Họ cũng đang nỗ lực tìm cách chia sẻ dữ liệu về mục tiêu trên chiến trường. Khi họ tìm ra giải pháp, bộ binh chỉ việc tận hưởng thành quả công nghệ mới – kính tự động xác định mục tiêu.

Kính tự xác định mục tiêu trên chiến trường để đơn vị khác tiêu diệt ảnh 2 Người sắt Tony Stark (Robert Downey Jr. đóng) dựa trên trí thông minh nhân tạo JARVIS để giúp điều khiển bộ áo giáo Iron Man – hình mẫu mà quân đội đang hướng tới dành cho binh sĩ trong tương lai. Ảnh: Paramount Pictures.

Cách thức hoạt động

Tại hội nghị trí tuệ nhân tạo Hiệp hội Quân đội Mỹ cuối tháng 11, tướng Donahue miêu tả về ứng dụng IVAS trên chiến trường. “Tưởng tượng rằng, bạn đang chiến đấu chống lại vài kẻ địch trên mặt trận. Bạn xác định các mục tiêu của mình như sau. Đối tượng đầu tiên bạn muốn tiêu diệt là một tổ hợp SA-22, đối tượng thứ hai là S-300, thứ ba là S-400 và thứ 4 là một chiếc T-90”, tướng Donahue nói. SA-22, S-300 và S-400 là các hệ thống phòng không của Nga. T-90 là xe tăng chiến đấu phiên bản nâng cấp mới nhất của T-72 từ thời Chiến tranh Lạnh. T-90 hiện là một trong những loại xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga.

“Vì có yếu tố học máy và trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp trong IVAS nên kính sẽ ngay lập tức nhìn khắp chiến trường và chọn mục tiêu là SA-22. Tại sao? Vì nó có dữ liệu. Nó đã nhìn thấy hàng ngàn hình ảnh về hệ thống này trên hệ thống điện toán đám mây”, ông nói. Hệ thống này có thể được đặt trên một chiếc xe nào đó. Có thể là một chiếc Humvee hoặc một xe thiết giáp chở quân như 8×8 Stryker hoặc Bradley.

Kính tự xác định mục tiêu trên chiến trường để đơn vị khác tiêu diệt ảnh 3 Xe tăng T-90 của Nga được trang bị pháo chính 2A46M 125 mm. Ảnh: Army Technology.

Phương pháp này là một ví dụ về việc quân đội Mỹ đang chuyển hướng từ các máy chủ trung tâm đặt tại các cơ sở cố định sang năng lực điện toán tại từng chiếc xe riêng biệt, thậm chí trên lính bộ binh.

“Với hệ thống phù hợp, nó sẽ bắn trực tiếp từ những đơn vị riêng biệt, ví dụ LRPF (khẩu đội tên lửa). Có thể con người cũng phải động chân động tay một tí. Họ bấm nút, LRPF phóng tên lửa và tiêu diệt SA-22”, tướng Donahue nói.

Kính tự xác định mục tiêu trên chiến trường để đơn vị khác tiêu diệt ảnh 4 Quân đội Iran thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-300. Ảnh: Mehr News Agency.

Theo chính sách của Lầu Năm Góc, con người, chứ không phải máy móc, ra các quyết định về sử dụng vũ lực chết người, dù nếu tự động hóa quyết định khai hỏa thì có thể tiết kiệm được những giây quý giá. Tuy nhiên, AI, hệ thống nhận dạng hình ảnh tân tiến nhất cũng có thể nhầm lẫn, ví dụ nhầm xe tăng bạn thành xe tăng thù, hoặc một xe buýt học sinh thành xe chở quân đối phương. Vì vậy, vẫn cần nhân lực kỹ thuật cao để kiểm tra mục tiêu trước khi khai hỏa.

Khi đeo kính thực tế ảo tăng cường, hình ảnh mỗi người lính trong đội hình có thể hiển thị là một chấm đỏ, còn hình mũi tên sẽ chỉ về phía mục tiêu. Việc hiển thị nhiều thông tin phía trước mặt người đeo kính có thể gây xao lãng nhưng như thế vẫn tốt hơn là phải ngừng quan sát chiến trường để nhìn xuống màn hình smartphone “độ chế” được cài đặt ứng dụng Bộ đồ tấn công chiến thuật Android (ATAK) chạy trên hệ thống Nett Warrior hiện nay. Trên chiến trường khói lửa mà cứ phải nhìn xuống màn hình như vậy khác gì một kẻ nghiện iPhone đi đường dán mắt vào màn hình để rồi sa xuống cống.

“Những người lính trẻ thử nghiệm IVAS đòi hỏi phải cung cấp thêm dữ liệu vì họ cảm thấy thoải mái. Vì họ được nuôi dậy trong thời kỳ bùng nổ màn hình và video game”, chuẩn tướng Joseph McGee, lãnh đạo lực lượng quản lý tài năng của quân đội Mỹ, nói.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG