Tranh luận về 4.500 tỷ hòa vào dòng tiền của Ngân hàng Xây dựng

Ông Phạm Công Danh tại tòa
Ông Phạm Công Danh tại tòa
TP - Hôm nay (15/12), phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM xử vụ bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB, tiền thân của TrustBank, nay là CB), cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tạm nghỉ. Chủ tọa thông báo ngày 17/12 sẽ vào phần tranh tụng.

Tại phiên xử ngày 14/12, HĐXX tập trung xét hỏi về khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà án sơ thẩm tuyên CB trả lại cho ông Danh. Theo đại diện CB, khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhưng tăng không thành công thì đây là giao dịch dân sự. NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng lúc đó vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. CB cho rằng, khi ông Danh nộp tiền vào và đã sử dụng hết, số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, còn nội dung chi tiết CB nói sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận.

Luật sư (LS) của ông Danh hỏi CB về đơn kháng cáo của CB có nội dung số tiền 4.500 tỷ đồng là nguồn tiền ông Danh sử dụng cho các sai phạm và trục lợi cá nhân là dựa vào căn cứ chứng minh nào cho nội dung kháng cáo này. Trả lời câu hỏi này, CB cho rằng, phần căn cứ cho nội dung kháng cáo đã trả lời rất nhiều lần và sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận. Cũng theo CB, việc sử dụng 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của CB nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng. LS của ông Danh muốn biết, ý kiến của CB về nhận định thiệt hại của CB là hậu quả của bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cao cấp TrustBank) để lại, ông Danh đã phải “vật lộn” vay tiền bên ngoài để giữ cho ngân hàng không đổ vỡ… CB không trả lời ý này của LS.

Trong khi đó, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) không đồng ý số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền như đại diện CB phát biểu. Ông Khương cho rằng, hệ thống ngân hàng kiểm toán rất cụ thể và đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỷ đồng cho ông Danh. Ông Khương nói bản án sơ thẩm đã xác định khi tái cơ cấu thì ngân hàng âm 18.000 tỷ đồng, nhưng chưa xác định số tiền âm này do ông Danh hay bà Hứa Thị Phấn gây ra. Trong vụ án Hứa Thị Phấn, tòa tuyên buộc bà Phấn bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng, theo ông Khương cần xem xét cấn trừ số tiền này vào tổng số tiền âm vốn. Ông Khương cho biết, xét xử vụ Hứa Thị Phấn sau vụ Phạm Công Danh gây bất lợi cho các bị cáo. Theo ông Khương nếu triệt để được hậu quả của bà Phấn, lấy tiền giải ngân cho các khoản vay thì sẽ không âm vốn mà còn tạo lợi nhuận cho CB.

Trình bày tại tòa, ông Danh nói bước chân vào lĩnh vực ngân hàng thì bị cáo đã là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực xây dựng với mong muốn xây dựng một ngân hàng nên bị cáo đã mua lại Ngân hàng TrustBank. Thừa nhận bị hạn chế năng lực về ngân hàng nhưng do áp lực tăng vốn điều lệ nhằm đưa ngân hàng đi lên nên mới phạm tội. Ông Danh nhắc lại việc đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà ông Danh cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.    

MỚI - NÓNG