Giải mã vụ tiêm kích J-20 Trung Quốc bị Ấn Độ 'tóm sống'

Giải mã vụ tiêm kích J-20 Trung Quốc bị Ấn Độ 'tóm sống'
TPO - Năm ngoái, báo South China Morning Post ở Hong Kong đưa tin rằng tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc có thể không có năng lực tàng hình như Không quân Trung Quốc (PLAAF) tuyên bố. Về điều này, quân đội Ấn Độ có vẻ sẽ tán đồng.

Bởi Không quân Ấn Độ (IAF) từng tuyên bố rằng radar chủ động mảng pha Phazotron Zhuk-AE trên tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ có thể phát hiện ra J-20 ở khoảng cách hàng trăm km. “Radar của Su-30 đủ năng lực để tóm (J-20) từ khoảng cách vài trăm km”, tư lệnh Không quân Ấn Độ Birender Singh Dhanoa nói.

Báo điện tử Zee News của Ấn Độ tường thuật rằng đó chính xác là những gì đã xảy ra năm ngoái khi một tiêm kích Su-30MKI trong một lần xuất kích đã phát hiện và theo dõi được hành tung của một chiếc J-20 đang hoạt động trên bầu trời Tây Tạng.

Có khá ít thông tin về vụ này, ví dụ có bao nhiêu máy bay liên quan đến vụ việc và cụ thể chiếc J-20 đã bị theo dõi bằng radar ra sao. 

Để xem xét tính năng tàng hình khi nào mất tác dụng, sử gia Mark Episkopos (Đại học American) cho rằng cần xóa bỏ những điều huyền bí về cụm từ “tàng hình” để xem xét tính năng này hoạt động ra sao.

“Tàng hình không có nghĩa là một chiếc công tắc mà ấn vào thì giúp chiếc máy bay trở nên vô hình đúng theo nghĩa đen.  Thay vào đó, “tàng hình” ở đây liên quan đến một loạt các thiết bị và thiết kế để giảm tiết diện phản xạ của máy bay trên màn hình radar, nói đơn giản là khiến máy bay khó bị radar phát hiện hơn các máy bay không “tàng hình”, ông Episkopos  giải thích trên National Interest.

Giải mã vụ tiêm kích J-20 Trung Quốc bị Ấn Độ 'tóm sống' ảnh 1  Động cơ là vấn đề rõ ràng nhất của J-20
Trong khi người Trung Quốc không áp dụng các tiêu chuẩn xếp hạng máy bay như phương Tây, chiếc J-20 được nói là có nhiều tính năng của một máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5. Đó là mũi nhọn, vát, nắp chắn buồng lái (canopy) được phủ vật liệu đặc biệt và máy bay sử dụng các vật liệu giúp hấp thụ sóng radar (và do vậy giảm phản hồi sóng radar tới máy thu của đối phương). Nhưng cần phải nhớ rằng các thiết bị này chỉ làm giảm khả năng bị phát hiện cho máy bay tàng hình chứ không hoàn toàn xóa bỏ được nguy cơ bị phát hiện.

Cũng không thể loại trừ khả năng chiếc J-20 vì một số lý do nào đó có thể cố tình để “bị phát hiện”. Justin Bronk, chuyên gia về không quân của Anh giải thích việc này trên Business Insider: “Có thể người Trung Quiíc đã bay chiếc J-20 trong khi tắt chế độ tàng hình để máy bay bộc lộ tiết diện phản xạ thực khi thực hiện các nhiệm vụ hòa bình, giống như Không quân Mỹ vẫn thường xuyên làm với máy bay tàng hình F-22 và F-35”.

Ông Bronk nói thêm rằng  không giống máy bay F-35, J-20 dễ dàng bị phát hiện từ bên hông hơn so với phía mũi. Và một điều nữa là cũng có thể IAF đã phóng đại về sự dễ dàng trong việc họ phát hiện ra J-20, trong bối cảnh Trung-Ấn còn nhiều căng thẳng liên quan đến vùng Tây Tạng.

Chưa rõ J-20 có vấn đề về tính năng tàng hình hay không, nhưng rõ ràng máy bay này có vấn đề về động cơ. Nó được dự kiến trang bị động cơ “made in China” WS-15 nhưng Trung Quốc chưa thể sản xuất loạt động cơ này vì các vấn đề liên quan đến cánh quạt của động cơ chưa được giải quyết. Và J-20 phải mang động cơ WS-10B cho dù động cơ này có tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng không đủ để giúp máy bay con cưng của không quân Trung Quốc đạt tốc độ siêu âm nếu không sử dụng cơ chế đốt sau, và khi đó giảm năng lực tàng hình.

MỚI - NÓNG