Tách bạch các khâu làm SGK để chống độc quyền

Cần tách bạch các khâu làm SGK để chống độc quyền. Ảnh: Nghiêm Huê
Cần tách bạch các khâu làm SGK để chống độc quyền. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Chiều 28/2, tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục - đào tạo, đại diện một số hiệp hội, một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đối với Bộ GD&ĐT là tách bạch biên soạn nội dung sách giáo khoa (SGK) với khâu in ấn, phát hành. Theo các chuyên gia, yêu cầu này giúp chống độc quyền và nâng cao chất lượng SGK mới.

Phát biểu trong cuộc họp giao ban, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, bởi “lo về chương trình một thì lo về sách giáo khoa gấp mười”. Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay sắp tới, Bộ GD&ĐT mong muốn được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…  Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao. Tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành. Bên cạnh nội dung kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa mới không thể thiếu nội dung dạy đạo đức, dạy làm người cho học sinh từ lời ăn, tiếng nói, câu chào đến hát quốc qua, tập thể dục, giữ vệ sinh chung.

Chia sẻ với Tiền Phong, GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương khẳng định SGK mới là vấn đề quan trọng nhất và phải được quan tâm nhất của Bộ GD&ĐT hiện nay. Mặc dù nghị quyết của Quốc hội có khuyến khích một chương trình nhiều bộ SGK, nhưng vừa qua Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đề nghị trước mắt thực hiện một chương trình một bộ SGK. Tuy nhiên đề xuất này có đi vào thực tế hay không thì Quốc Hội phải biểu quyết.  Nhưng thực tế cũng thấy, hiện ngay cả Bộ GD&ĐT cũng chưa lo xong bộ SGK chính  thì cũng rất khó có thể có nhiều bộ SGK trong tương lai. Vì để viết được một bộ SGK hoàn chỉnh, đạt chất lượng theo yêu cầu phải có đội ngũ nhân lực lớn, kinh phí lớn. Nếu nhà nước không đầu tư thì tư nhân cũng chưa đủ sức để viết một bộ SGK hoàn chỉnh. Nên có thể từ từ thực hiện chủ trương nhiều bộ SGK. Bộ SGK của Bộ do nhà nước đầu tư sẽ là định  hướng để cho các bộ SGK khác sau này. Chính vì vậy tại cuộc họp giao ban, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT phải làm tốt bộ SGK đã được Quốc hội giao nhiệm vụ biên soạn. 

GS. Phạm Tất Dong cũng chia sẻ, việc tách bạch các khâu làm SGK (khâu viết nội dung và khâu xuất bản, phát hành) là cần thiết để chống độc quyền SGK khi chỉ có 1 bộ sách.  Hiện nay có 5 đơn vị xuất bản được phép xuất bản SGK. Các đơn vị này mạnh ai người đó “kéo” những người  viết SGK về phía mình.  Tất cả những người mà các nhà xuất bản đang nhắm tới là những người viết chương trình SGK, nếu họ viết cả SGK, lại xuất bản luôn thì sẽ có nhiều hệ luỵ. “Theo ý kiến của tôi thì đội ngũ viết SGK phải tách khỏi các NXB. Các NXB không có nhiệm vụ viết SGK” - GS. Dong đề xuất. Ông nêu kinh nghiệm thực tế, hiện nay việc xuất bản SGK đang trong tình trạng NXB vừa là nơi viết SGK, vừa là nơi phát hành vừa là nơi xuất bản. Nên nếu  không  tách bạch các khâu sẽ dẫn đến tình trạng người viết chương trình sẽ ký kết với một NXB được cấp phép nào đó viết SGK rồi xuất bản và phát hành. Như vậy, rất có thể chất lượng SGK sẽ lại đi vào “vết xe đổ” như hiện nay. Thi cử nếu có sai sót thì cũng chỉ ảnh hưởng phần nhỏ nhưng nếu SGK có sai sót hoặc chất lượng có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ. Cứ nói học sinh có nhiều sách tham khảo nhưng thực tế các em không có thời gian để tham khảo nhiều, vẫn dựa vào kiến thức trong SGK là chính.

Vấn đề này khác hoàn toàn với giáo trình ĐH. Vì giáo trình ĐH trường nào thì trường đó biên soạn, có sai sót hay vấn đề gì giảng viên có thể chỉnh sửa được ngay. SGK không thế, bao nhiêu thế hệ phải trả giá nếu SGK có vấn đề.

2021 hoàn thành bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.

Tại hội nghị các trường sư phạm triển khai bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, đại diện các trường sư phạm đã đề xuất các chuyên đề cần bồi dưỡng. Việc đề xuất này theo đại diện các trường là dựa trên khảo sát thực tiễn tại các địa phương, mong muốn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và kinh nghiệm từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các nhà trường.

Đại diện một số trường phổ thông tham dự hội nghị lại quan tâm tới nội dung chương trình, phương thức bồi dưỡng làm sao đáp ứng được nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.  Từ đó, đại diện các trường phổ thông đề nghị, cách thức bồi dưỡng lần này nên chú trọng hướng dẫn cách làm và quan tâm đến quản lý, kiểm soát để có thể điều chỉnh nội dung, phương thức ngay cho những khóa bồi dưỡng sau. Bồi dưỡng phải làm sao đánh bật được cái cũ, quan điểm cũ thì cái mới mới có thể phát triển.

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Phùng Xuân Nhạ cho hay có 4 nhóm đối tượng cần tập trung bồi dưỡng, gồm: Cán bộ quản lý sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; giảng viên cốt cán các trường sư phạm; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên phổ thông. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.