Giá điện tăng hơn 8,3%: Doanh nghiệp “sốc”

Ngành xi măng hàng năm phải trả số tiền rất lớn mua điện sản xuất.
Ngành xi măng hàng năm phải trả số tiền rất lớn mua điện sản xuất.
TP - Thông tin giá điện sẽ tăng 8,36% vào cuối tháng 3/2019khiến không ít doanh nghiệp sản xuất “sốc” và lo lắng khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến giá bán tăng theo. Doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khẳng định sẽ tăng giá bán khi chi phí sản xuất bị “đội” lên hàng chục tỷ đồng.

Xi măng: Sẽ gánh thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện/năm

Trong cơ cấu giá xi măng, chi phí cho năng lượng chiếm 60% (trong đó điện năng chiếm đến 30%). Đại diện Tổng Cty Xi măng Việt Nam cho biêt, giá điện tăng hơn 8% vào cuối tháng 3 thực sự là áp lực với ngành. Nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24 - 25 triệu tấn sản phẩm/năm, toàn tổng công ty phải chi khoảng 300 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện.

“Trước đây, định mức điện năng là 100kwh/tấn xi măng, còn bây giờ là 90- 95kwh/tấn xi măng. Doanh nghiệp xi măng nào tiết kiệm lắm thì chi phí điện năng cũng chiếm 14% chi phí điện năng trong giá thành sản xuất. Nếu tăng giá điện cao như thế này buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán xi măng”, đại diện Tổng Cty Xi măng Việt Nam nói.

Trước thực tế chi phí đầu vào gia tăng, một số doanh nghiệp xi măng khẳng định sẽ phải tăng giá bán. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận việc tăng giá xi măng xuất khẩu là không dễ, bởi ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh ở thị trường quốc tế và đối mặt với “nguy cơ” mất đơn hàng. Do đó, trước mắt ngành này sẽ chủ yếu thực hiện ở thị trường nội địa.

Nói về tình hình kinh doanh năm 2019 trong bối cảnh áp lực tăng giá điện dẫn đến tăng giá thành, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, đơn vị sẽ lên kế hoạch giảm tối đa chi phí đầu vào, cố gắng đạt công suất thiết kế thông qua nâng cao năng lực sản xuất. (Còn một số doanh nghiệp khác cho biết, sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, sử dụng các chất thải tái chế để làm xi măng từ xỉ hạt lò cao và tro bay của nhiệt điện).

Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Xi măng Việt Nam, Tổng Cty sẽ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các nút thắt trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Trước viễn cảnh giá điện làm tăng chi phí, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, triển vọng ngành xi măng năm 2019 lúc này thực sự khó đoán. Và việc tăng giá điện chắc chắn là áp lực đối với ngành xi măng trong thời gian tới.

Hàng loạt doanh nghiệp đối mặt tăng giá bán sản phẩm

Cũng là một lĩnh vực sản xuất tiêu tốn điện năng, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện rất ảnh hưởng đến ngành thép. “Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp trong giá thành sản phẩm thép mà còn ảnh hưởng gián tiếp do tác động lên giá của cả vật tư nguyên liệu và dịch vụ từ các nhà cung cấp”, ông Nguyên khẳng định.

Theo ông Nguyên, sản xuất thép có 2 loại là từ lò điện và công nghệ lò cao. Lò điện tiêu thụ điện rất nhiều và bị ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng. Mỗi tấn thép công nghệ lò điện dùng hết khoảng 520kw. Nếu giá điện tăng thêm 8,36%, giá thành sản xuất phôi thép sẽ tăng lên khoảng 0,6%/tấn so với trước. Ví dụ công ty thành viên thép miền Nam, mỗi tháng trả 60 tỷ đồng tiền điện, nếu giá điện tăng thêm thì mỗi tháng công ty mất thêm 5 tỷ đồng. Đấy chỉ là một đơn vị. Giá điện tăng, không còn cách nào khác doanh nghiệp phải tăng giá thép bán ra.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Cty kính nổi Viglacera cho rằng, một tháng công ty tiêu thụ hơn 2 tỷ tiền điện. Nếu tăng giá, mỗi tháng công ty mất thêm 150 triệu đồng tiền điện nữa. “Đầu vào tăng. Muốn bù chi phí này, giá bán sản phẩm phải tăng. Nếu điện tăng hơn 8%, giá  bán tăng 4- 5% mới bù lại được”, ông Khoa nói.

Không chỉ ngành sản xuất chịu ảnh hưởng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng cũng... kêu trời trước  tác động giá điện sẽ đến. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Coop Mart Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ, lượng điện tiêu thụ trong siêu thị lớn bao gồm các hệ thống làm lạnh, bảo quản đồ ăn, hệ thống điều hoà trên mặt bằng rộng toàn siêu thị. “Hệ thống bảo quản đồ ăn theo đúng tiêu chuẩn nhiệt độ dù mùa đông hay mùa hè. Trước đây, trung bình, một tháng, siêu thị tốn khoảng 600 triệu tiền điện. Nay, điện áp theo khung giá mới, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm vài chục triệu đồng”, bà Dung cho biết.

Theo bà Dung, điều lo lắng nhất là nếu các nhà phân phối sản phẩm tăng giá bán, hệ thống cũng phải tăng theo, sẽ lập ra một mặt bằng giá mới trong bối cảnh các siêu thị cạnh tranh như hiện nay, vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Trước thực tế này, ông Phạm Thành Công, Chủ tịch Tập đoàn GFS (sản xuất đa ngành) cho rằng, với lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm khi giá điện tăng hơn 8% vào thời gian tới.  

Giá điện tăng hơn 8,3%: Doanh nghiệp “sốc” ảnh 1
MỚI - NÓNG