Vì sao Thanh Hóa tổ chức khảo sát chất lượng hơn 1.100 giáo viên Tiếng Anh?

Bà Phạm Thị Hằng- giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa trao đổi với báo chí
Bà Phạm Thị Hằng- giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa trao đổi với báo chí
TPO - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết việc Thanh Hóa khảo sát 1.180 giáo viên Tiếng Anh các cấp học là giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những giáo viên không đạt yêu cầu, Sở sẽ báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh có phương án điều chuyển hoặc tinh giản biên chế.

Trả lời báo chí, bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, việc khảo sát chất lượng giáo viên đợt này xuất phát từ thực tế những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có điểm thi trung bình chung môn Tiếng Anh tại Kỳ thi THPT Quốc gia nằm trong tốp cuối cả nước. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh của tỉnh hiện có trên 50% được đào tạo không chính quy.

Mục tiêu của việc khảo sát chất lượng giáo viên Tiếng Anh là để nắm được chất lượng thực sự của đội ngũ giáo viên Tiếng Anh trong tỉnh để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho những giáo viên chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, thông qua đợt khảo sát, các thầy cô giáo biết được năng lực của mình để từ đó tự học, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại mới. Sau khi rà soát, nếu giáo viên nào chưa đạt chuẩn thì phải bồi dưỡng để đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT”.

Cụ thể, sau đợt khảo sát, những giáo viên Tiếng Anh không đạt yêu cầu sẽ được thông báo để có kế hoạch cùng nhà trường sắp xếp thời gian tự học, tự bồi dưỡng kiến thức. Sau đó, những giáo viên này tiếp tục được đăng ký khảo sát lần 2 cho đến khi đạt chuẩn.

Trường hợp giáo viên tham gia khảo sát lần 2 nhưng vẫn không đạt yêu cầu và hết tuổi đào tạo, bồi dưỡng thì Sở GD&ĐT sẽ có báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh để có phương án điều chuyển bố trí công việc khác phù hợp hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

Quá trình khảo sát được triển khai thành 2 đợt: Đợt một (chiều 9 đến 10/3) khảo sát cho 630 người gồm giáo viên chưa đạt chuẩn; chưa tham gia khảo sát, đánh giá; giáo viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT; Đợt hai (20 đến 21/4) sẽ khảo sát cho 550 giáo viên tiếng Anh gồm số đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay.

Trước đó, trong 2 ngày 23, 24/2, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên Tiếng Anh để các thầy cô giáo tự tin bước vào đợt khảo sát.

Theo đó, trường Đại học Ngoại ngữ lắp các thiết bị phục vụ cho 2 đợt khảo sát như: máy Scan an ninh, Camera giám sát… theo đúng yêu cầu về quy chế thi tại thông tư số 23/2017/BGĐT ngày 29/9/2017 của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Ngoại ngữ cử 5 giám sát và Sở GD&ĐT cử 5 cán bộ giám sát vào Hội đồng thi để giám sát chặt chẽ quá trình thi.

Mỗi phòng thi có 30 thí sinh/2 cán bộ coi thi. Công tác an ninh cũng được đảm bảo, có máy Scan an ninh; Trường ĐH Ngoại ngữ cử 2 cán bộ an ninh Scan và cử 8 người trông coi đồ tư trang của thí sinh; Camera giám sát được lắp đặt tại từng phòng thi. Đơn vị tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên Tiếng Anh, gồm Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Vinh. Địa điểm tổ chức là Trung tâm GDTX tỉnh. Các giáo viên tham gia khảo sát 4 kỹ năng gồm: nghe, đọc, viết và nói.

MỚI - NÓNG