Hành động hôi hoa xấu xí lặp đi lặp lại

Dân hôi hoa ở Đồng Đăng ảnh: Duy Chiến
Dân hôi hoa ở Đồng Đăng ảnh: Duy Chiến
TP - Hoa vốn tượng trưng cho cái đẹp, hành vi giành giật, cướp hoa là phản cảm, phản văn hóa. Ông Phạm Quang Long, nguyên lãnh đạo ngành Văn hóa Hà Nội nhận xét: Lấy hoa chưa đến mức là hành vi trộm cắp nhưng lấy cái không phải của mình là biểu hiện của sự xuống cấp về nhân cách. Xã hội thấy mà im lặng thì đó là tình trạng đáng báo động.

Mấy ngày nay, trên các trang báo, mạng xã hội… đâu đâu cũng có tin tức về vụ hôi hoa trang trí sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc. Nhân hành động xấu xí, phản cảm trên đường Kim Mã ngày 6/3, người dân tiếp tục đăng cả những video ngày 28/2 trước đó, khi nhiều người dân kéo tới khách sạn JW Marriott để vơ vét cây, hoa trang trí xung quanh tòa nhà mang về.

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty cây xanh) phải gửi thông điệp đến cơ quan báo chí, nhờ đăng tải những thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân sau việc này. “Chúng tôi là đơn vị công ích, không có quyền hạn xử phạt gì. Hơn nữa, những nơi công cộng chính quyền có muốn phạt cũng khó thực hiện xuể. Tốt nhất để tránh tình trạng trên tiếp diễn, báo chí cùng lên tiếng để ý thức bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên của người dân Thủ đô ngày một tốt hơn”, lãnh đạo Cty Cây xanh chia sẻ với PV Tiền Phong.

Ông Phạm Quang Long, nguyên lãnh đạo ngành Văn hóa Hà Nội nhận xét: Lấy hoa, lấy cái không phải của mình là biểu hiện của sự xuống cấp về nhân cách. Xã hội thấy mà im lặng thì đó là tình trạng đáng báo động.

Chuyên gia văn hóa Đỗ Tuấn Anh cho rằng, hoa vốn tượng trưng cho cái đẹp, hành vi giành giật, cướp hoa lại là  hành vi không đẹp. Giành cái đẹp bằng hành động xấu càng làm cho hình ảnh xấu xí hơn.

Ông Tuấn Anh nhìn nhận, cách ứng xử với hoa, với tài sản công cộng chính là thể hiện văn hóa. Phát triển xã hội cũng bắt đầu từ văn hóa, do đó phải thay đổi nhận thức, thay đổi chuẩn mực hành động ngay từ giáo dục ban đầu. Mỗi gia đình phải hướng dẫn con cái về những chuẩn mực nơi công cộng từ những việc nhỏ nhất như: Vứt rác đúng nơi quy định, không hái hoa, bẻ cành…

Theo các chuyên gia, tại một số nước như Nhật Bản, Singapore... hành vi, vứt rác, viết vẽ bậy hay chỉ là vứt tàn thuốc lá nơi công cộng thôi cũng đều bị xử lý rất nặng. Ngoài việc phải nộp tiền phạt, người vi phạm có thể phải lao động công ích nếu không muốn ngồi tù. Trong khi đó, ở nước ta, những hành vi xấu xí trên vẫn ít khi bị xử lý. Đặc biệt, những thói xấu “vặt” này dễ nhiễm, dễ lây lan khi cộng đồng không lên tiếng. Hành vi nhỏ nhưng hậu quả để lại lâu dài.

 Đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết thêm, sự việc đã qua cho thấy thói xấu của một bộ phận người dân làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung của người Hà Nội. Thực tế, cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho người dân bởi khi đó công nhân cây xanh đang chuẩn bị dọn hoa, chậu hỏng bỏ đi, chậu dùng được mang về ươm tiếp…

Người dân tiếc muốn mang về nhà, rồi người sau cũng làm theo tạo thành một loạt “hiệu ứng đám đông”. Thành phố vừa có buổi họp về kết quả thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy trong đó có công tác xây dựng ý thức người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Với nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, 2 bộ quy tắc ứng xử đang dần đi vào đời sống và chắc chắn sẽ mang lại những hình ảnh đẹp hơn trong thời gian tới.            

MỚI - NÓNG