Khủng hoảng đẩy người dân Venezuela vào cảnh khốn cùng

Người dân Venezuela đang hứng nước từ một miệng cống ảnh: Carlos Rawlins
Người dân Venezuela đang hứng nước từ một miệng cống ảnh: Carlos Rawlins
TP - Khi đợt mất điện kéo dài suốt 5 ngày qua đẩy các gia đình Venezuela vào cảnh không có nước để dùng, chị Lilibeth Tejedor phải tìm đến nơi mà trước đây chị chưa từng nghĩ đến: đường cống mang nước thải từ thủ đô Caracas ra sông.

Hôm 11/3, người phụ nữ 28 tuổi này cùng hàng chục người khác kéo ra sông Guaire để hứng nước từ miệng cống vào can mang về. 

So với nước sông Guaire bốc mùi hôi thì nước từ đường ống này sạch hơn chút ít. Những người đến đây lấy nước nói rằng chính quyền địa phương đã xả nước từ các bể chứa nước sạch ra đây, nhưng hệ thống đường ống không sạch nên nước này chỉ có thể dùng để xả bồn cầu hay lau nhà. 

“Trước đây tôi chưa từng thấy cảnh tượng này”, Reuters dẫn lời chị Tejedor nói trong lúc đang xách can nước về nhà mình ở khu San Augustin. Chị Tejedor đang nuôi một cô con gái 2 tuổi và 2 đứa cháu. “Bọn trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Làm sao để nói với chúng rằng không còn nước nữa?”, chị nói.

Thiếu nước là một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của tình trạng mất điện trên cả nước mà chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc là do Mỹ phá hoại, trong khi những người chỉ trích ông cho rằng đây là hệ quả của tình trạng tham nhũng và bất lực. 

Mất điện và thiếu nước kéo dài khiến cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn, trong bối cảnh nền kinh tế đang lạm phát phi mã, nhiều món hàng trước đây là cơ bản nhất như bột ngô và giấy vệ sinh nay trở thành hàng xa xỉ. 

Thiếu nước và thiếu điện đang trở thành vấn đề lớn đối với các bệnh viện, trong khi những cơ sở này đã vô cùng khó khăn vì thiếu thiết bị và thuốc men. 

Tổng thống Maduro đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có, trong khi Mỹ gây sức ép bằng các biện pháp trừng phạt vào ngành công nghiệp dầu khí nhằm cắt đứt các nguồn thu ngoại tệ của nhà lãnh đạo này. Hôm 11/3, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng Washington đang gây sức ép với Ấn Độ phải dừng mua dầu từ chính phủ của ông Maduro. Ấn Độ là thị trường quan trọng đối với kinh tế Venezuela vì nước này từng là khách hàng mua dầu trả tiền mặt lớn thứ hai của Venezuela, sau Mỹ. 

Xuất hiện trên truyền hình hôm 11/3, ông Maduro nói rằng việc sửa chữa hệ thống điện sẽ được thực hiện “từng chút một”. Ông nói sự cố lần này là một “cuộc đảo chính bằng điện” do “những đầu óc tội phạm” thực hiện”. Ông đổ lỗi cho Mỹ tấn công hệ thống điện của Venezuela, nhưng không cung cấp bằng chứng, CNN đưa tin.

Trong khi đó, Quốc hội Venezuela vừa thông qua đề xuất của lãnh đạo đối lập, tổng thống tự phong Juan Guaido, coi tình trạng mất điện trên cả nước lần này là “tình trạng khẩn cấp toàn quốc”, mở ra khả năng quốc hội tìm kiếm hợp tác quốc tế hoặc can thiệp từ nước ngoài. Ông Guaido nói với CNN rằng biện pháp can thiệp quân sự cũng có thể được sử dụng. Giới chức Mỹ nói rằng mọi lựa chọn đều đang được tính đến, nhưng can thiệp quân sự vào Venezuela chưa có khả năng được chọn vào thời điểm này. 

Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Guaido nói rằng ông đã nói chuyện với chính phủ Đức, Nhật Bản, Brazil và Colombia để nhờ giúp đỡ. Ông cũng nói đã có 1,5 tỷ USD từ nhiều tổ chức sẵn sàng giúp bảo đảm các dịch vụ ở Venezuela, nhưng ông không nói số tiền đó đang ở đâu và có thể tiếp cận bằng cách nào. Tổng thống tự phong này một lần nữa kêu gọi quân đội dừng hậu thuẫn ông Maduro. 

Hôm 11/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo sẽ rút toàn bộ số nhân viên ngoại giao còn lại ở đại sứ quán tại Caracas về nước vì “tình hình Venezuela xấu đi”. Tháng 1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút tất cả nhân viên ngoại giao làm các công việc không khẩn cấp về nước vì quan hệ song phương khủng hoảng. 

MỚI - NÓNG