Tìm cách để metro Sài Gòn sớm về đích

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thị sát dự án metro sáng 13/3 ​
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thị sát dự án metro sáng 13/3 ​
TP - Ngày 13/3, kiểm tra công trường thi công các gói thầu dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Ðường sắt Ðô thị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyếnđã trực tiếp tháo gỡ nhiều vướng mắc để tuyến metro đầu tiên vận hành vào cuối năm 2020…

Sắp giải ngân vốn ODA   

Tại công trường thi công Nhà ga Phước Long (quận Thủ Đức) thuộc gói thầu số 2, dự án tuyến metro số 1, đại diện liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 phàn nàn: Hợp đồng thi công đã hết hạn từ tháng 1/2018 nhưng chưa được gia hạn để làm thủ tục thanh toán. Ngoài ra, một số thiết kế bản vẽ thi công đã trình các sở ban ngành nhiều tháng qua nhưng chưa được phê duyệt. Ngoài ra, vật tư còn lại (cơ điện, kiến trúc…) chiếm 20% khối lượng còn lại của gói thầu cũng chưa được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Còn tại gói thầu số 1b, ông Takuzo Sato, Giám đốc dự án Liên danh Shimizu - Maeda cho biết quá trình thi công gặp nhiều khó khăn vì vướng nhiều cọc gỗ, bê tông cốt thép nằm sâu dưới lòng đất của các công trình khác để lại. Ngoài ra, việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu đang gặp khó, vì liên quan đến nhiều sở, ban ngành. Vì vậy, khối lượng công việc thực hiện của toàn bộ gói thầu 1b đã đạt 80% nhưng nhà thầu mới được thanh toán 40%.

Nghe các nhà thầu “kêu”, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) cho biết, hồ sơ thiết kế trước kia MAUR trực tiếp phê duyệt nhưng theo quy định hiện nay, các sở ban ngành mới được thẩm định.

Tại buổi làm việc vào trưa cùng ngày, ông Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2019, dự án tuyến metro số 1 không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn ODA (do đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư). Hiện nay, tổng hồ sơ đề nghị thanh toán từ nguồn vốn ODA của các nhà thầu thuộc dự án là 2.158,5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, ngoài khó khăn về nguồn vốn, UBND TPHCM dứt khoát không để khó khăn về thủ tục. Hai dự án metro số 1 và số 2 vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng đồng ý giao TPHCM thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư. Với tuyến metro số 1, sau khi Chính phủ ủy quyền, UBND TPHCM sẽ giao Sở GTVT thẩm định lại theo đúng quy trình. “Sau khi UBND TPHCM phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải ngân vốn cho TPHCM”, ông Tuyến cho hay.

Tạo nguồn lực đầu tư thay vì phải trả nợ

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, dự án tuyến metro số 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước khởi đầu cho hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM. Từ dự án này phải đặt ra mục tiêu tổng thể cho việc triển khai 7 tuyến metro còn lại.

Trước ý kiến của một số chuyên gia về nguồn vốn đầu tư làm metro quá lớn (hơn 1 tỷ USD/tuyến), ngoài tuyến metro số 1, các tuyến metro còn lại đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn tài trợ, ông Nguyễn Thiện nhân cho rằng, MAUR cần thu xếp, đặt vấn đề với Ngân hàng Thế giới về vấn đề này. Đặc biệt, đã đến lúc TPHCM nghiên cứu việc khai thác hiệu quả quỹ đất dọc theo các tuyến metro để tạo nguồn lực đầu tư thay vì đi vay và con cháu phải trả nợ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 4/2019, UBND TPHCM phải ra được “đầu bài” việc quy hoạch sử dụng đất dọc các tuyến metro, trong đó cần đề cập quan điểm về vấn đề này cũng như tiến độ thực hiện…

“Metro chỉ giải quyết vấn đề giao thông khi được đầu tư hệ thống, chứ nhiều năm mới đưa vào một tuyến thì phải hơn 30 năm nữa mới giải quyết được ách tắc của TP. MAUR cần đề ra mục tiêu, trả lời cụ thể bao giờ đưa cả 8 tuyến metro đi vào hoạt động”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu UBND thành phố cùng MAUR tham khảo ở các nước đã có hệ thống metro hoàn chỉnh, tìm hiểu cơ chế nào đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến metro, học hỏi các mô hình đầu tư, kinh nghiệm vận hành, hiệu quả kinh tế các tuyến metro đem lại để xây dựng mô hình phù hợp với TPHCM.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khai thác hiệu quả quỹ đất khổng lồ dọc các tuyến metro sẽ là một trong những nguồn lực dùng đầu tư trở lại các tuyến metro. Để giữ nguồn lực này, TPHCM cần đi trước một bước, thực hiện việc bồi thường giải tỏa đê chuẩn bị sẵn quỹ đất “sạch”.

Khởi công tháng 8/2012, tuyến Metro số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2020.

Hiện, công trình đã hoàn thành được 62% khối lượng. Để đảm bảo tiến độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, UBND thành phố kiến nghị Trung ương tạm ứng 2.150 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu hoặc ủy quyền cho thành phố tạm ứng.

MỚI - NÓNG