Thất bại Tiếng Anh trong trường phổ thông, Bài 5:

Cần có môi trường tiếng Anh cho học sinh

Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học
Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học
TP - Theo các chuyên gia, với cách dạy học nặng ngữ pháp, truyền thụ một chiều, không có môi trường để học sinh thực hành thì chương trình dạy học ngoại ngữ sẽ còn thất bại lâu dài. Điều quan trọng là phải tạo môi trường cho học sinh được sử dụng Anh ngữ hàng ngày và duy trì nó.

Thiếu và yếu về nhiều mặt

Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên - Giám đốc tổ chức giáo dục Summit  (Hà Nội) từng là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, sau đó nhận học bổng du học Mỹ, chia sẻ: “Khi tìm hiểu chương trình dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông vì sao chưa hiệu quả, tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đề”.

Đầu tiên là nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng không đủ tự tin để nói và viết. Vì vậy, việc thất bại trong dạy ngoại ngữ lâu nay có phần từ kiểm soát chất lượng giáo viên chưa ổn. Bà Hoa cho rằng, nhiều địa phương muốn học sinh học tốt nên liên tục đổi giáo trình. Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực để khẳng định sự quyết tâm mà thôi, vì khi trình độ giáo viên hạn chế, bản thân họ chưa tự tin cũng rất khó. Chưa kể, khi học sư phạm ra trường, nhiều bạn có năng lực ngoại ngữ tốt đã đi du học hoặc làm việc trong các công ty nước ngoài, các trường học ở vùng khó khăn, xa xôi rất khó tuyển dụng được giáo viên giỏi.

Trong quá trình tiếp xúc, nhiều giáo viên than phiền là sở, bộ ban hành các giáo trình mới nhưng trong một lớp năng lực học sinh không đồng đều. Có em được gia đình đầu tư cho đi học thêm ở ngoài học rất tốt, nhưng có em hoàn toàn mù mờ, không thể theo kịp. Chưa kể, học sinh ở thành phố và học sinh ở nông thôn, miền núi năng lực sẽ khác nhau nếu học cùng một giáo trình sẽ rất khó khăn.

Ở các trung tâm Anh ngữ, họ sẽ sàng lọc phân loại trình độ đầu vào theo từng lớp, mỗi lớp chỉ từ 10-15 học sinh. Độ tuổi nào, trình độ nào sẽ được học theo các bài phù hợp. Còn hiện nay, nhiều trường ở một số địa phương sĩ số lên tới 50-60 học sinh/ lớp, còn đại đa số là 30-40 học sinh/ lớp, nhưng lại học chung một giáo trình. Như vậy, kể cả giáo viên giỏi đứng lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương đã nỗ lực đưa chương trình liên kết vào các nhà trường, trong đó có giáo viên nước ngoài vào dạy học sinh. “Tuy nhiên, chất lượng giáo viên nước ngoài hiện cũng chưa được kiểm soát tốt, hơn nữa, đối với học sinh quá nhỏ tuổi, trình độ đang thấp cũng rất khó để tiếp thu được hết giáo viên nước ngoài đang nói gì. Điều này chỉ giúp học sinh tự tin, bạo dạn hơn mà thôi”, bà Hoa nói.

Dựa vào đội ngũ hiện có khó thành công

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới lý giải về việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông không hiệu quả có nguyên nhân từ chương trình, SGK. GS Thuyết cho rằng, khi dạy học  không hiệu quả cần phải đánh giá lại xem chương trình, SGK đó có phù hợp hay không.

Ngoài ra, GS khẳng định, việc học ngoại ngữ trong nhà trường không hiệu quả là do việc đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên cũng chưa đạt. Phương pháp dạy học  của giáo viên chưa phù hợp. “Bởi dạy học ngoại ngữ mà chú trọng ngữ pháp là chúng ta đang đi ngược với phương pháp hiện nay cả thế giới đang dùng. Đó là học để nghe và nói được. Phải đặt học sinh trong tình huống học xong phải giao tiếp, cụ thể là nghe, nói được, đọc viết được”.

Điều quan trọng của dạy học ngoại ngữ là phải đúng phương pháp, đặt học sinh trong môi trường nghe, nói, đọc, viết nhiều. Như vậy, so với chương trình hiện hành thì cần phải thay đổi cả cách thức  dạy học lẫn kiểm tra, đánh giá. Bởi lâu nay, giáo viên chú trọng ngữ pháp, đánh giá cũng chỉ kiểm tra ngữ pháp thì học sinh chỉ học đến vậy thôi.

Theo GS Thuyết, hiện nay yêu cầu giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt trình độ B2 thì những giáo viên mới đạt trình độ A2 (tương đương trình độ học sinh THCS theo đề án ngoại ngữ 2020) phải nỗ lực đạt chuẩn, nếu không phải chấp nhận việc chuyển đổi công tác.

Một chuyên gia giáo dục khác khẳng định, với cách dạy học ngoại ngữ trong nhà trường như lâu nay, một học sinh học 7 năm tiếng anh ở THPT và thêm 5 năm ĐH nữa cũng không dùng được ngoại ngữ. Đề án dạy học ngoại ngữ Quốc gia 2020 từng đặt ra rất nhiều mục tiêu, kỳ vọng như đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin.

Đề án cũng đã tiêu tốn số tiền lớn nhưng không hiệu quả. Điều đó đã được cảnh báo trước, bởi vì chúng ta có đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn. Đây là nguyên nhân quan trọng để khẳng định có nâng cao chất lượng dạy học được hay không. Thứ hai là giáo trình, phương pháp dạy học lâu nay quá đặt nặng vào ngữ pháp nên học sinh khi ra thực hành rất ú ớ, nói không ra câu.

Malaysia ban đầu học sinh cũng không giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, khi họ áp dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, dạy học các môn học khác cũng bằng tiếng Anh, lập ra nhiều CLB nói tiếng Anh… Với phương thức đó, dần dần họ đã thành công. Đây cũng là phương thức nhiều quốc gia áp dụng dạy học ngoại ngữ, đó là phải tạo môi trường Anh hoá. Còn nếu giáo viên chỉ truyền thụ, học sinh đọc, viết thì năng lực ngoại ngữ của học sinh rất khó để cải thiện.

Chuyên gia này cũng cảnh báo: “nếu đổi mới chương trình GDPT mà chỉ dựa vào mặt bằng giáo viên hiện tại thì có cải cách cũng khó mà thành công bởi vì mặt bằng chung hiện nay quá thấp. Phải có lộ trình 3 - 5 năm để nâng cấp đội ngũ giáo viên khi đó mới đem lại hiệu quả”, ông nói.

Ở các trung tâm Anh ngữ, họ sẽ sàng lọc phân loại trình độ đầu vào theo từng lớp, mỗi lớp chỉ từ 10-15 học sinh. Độ tuổi nào, trình độ nào sẽ được học theo các bài phù hợp. Còn hiện nay, nhiều trường ở một số địa phương sĩ số lên tới 50-60 học sinh/ lớp, còn đại đa số là 30-40 học sinh/ lớp, nhưng lại học chung một giáo trình.

MỚI - NÓNG