Hòa Bình: Cần công khai danh sách 64 thí sinh gian lận và hủy kết quả thi

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại Hòa Bình ngày 3/7/2018. ảnh: Nghiêm Huê
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại Hòa Bình ngày 3/7/2018. ảnh: Nghiêm Huê
TP - Xoay quanh vụ việc 64 thí sinh gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, không công bố danh tính vì sợ “tổn thương” các em. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội  và chuyên gia pháp lý về vấn đề này.

Xử lý nhu nhơ thì tiêu cực còn tái diễn

Chiều qua, 15/3, trao đổi với Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng nên công bố công khai danh sách thí sinh được nâng điểm.

 “Tôi nói thật, phải cấm thi vài năm nữa mới đúng. Không có chuyện vi phạm xong rồi lại như không. Các cơ quan tốn bao nhiêu tiền bạc để đi điều tra  rồi chỉ hủy kết quả thi là xong. Ngày xưa thi mà gian lận thế này còn bị chém đầu, chứ cấm thi vài năm ăn thua gì. Phải như thế để lần sau bố mẹ thí sinh, thí sinh, người thân của thí sinh mới chừa để không nhờ vả. Rõ ràng ở đây là gian lận thi cử. Nên kỷ luật phải nghiêm”, GS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc.

 Theo quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết, trong câu chuyện này, cũng không có ai là nạn nhân. “Ai gây ra? Chính là bố mẹ thí sinh. Có phải tự nhiên người ta nâng điểm cho thí sinh đâu. Do đó, bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Chính vì thế, phải xử lý nghiêm. Không có chuyện muốn làm giời làm đất gì cũng được. Nếu cơ quan điều tra kết luận có chuyện mua bán điểm ở đây thì theo tôi phải hủy kết quả, kèm theo cấm thi 3 năm. Quy chế phải nghiêm như vậy”. GS Thuyết cho rằng nếu cần thì có thể phải sửa quy chế, bởi xử lý nhu nhơ thì tiêu cực sẽ còn tái diễn.

Không nên “vàng thau lẫn lộn”

Đứng từ phía trường đại học, PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, ngay sau khi có kết luận điều tra, trường đã rà soát lại kết quả học tập của sinh viên năm thứ nhất. Kết quả cho thấy, những thí sinh ở Hòa Bình vào trường có kết quả học tập khá tốt.

“Tốt theo nghĩa của trường là điểm trung bình đạt 2.0/4.0. Đối với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội điểm trung bình toàn khóa của sinh viên hai năm học đầu tiên chỉ ở mức 2.0/4.0 là được rồi do chương trình học đại cương rất khó. Vì vậy, tôi nghĩ với những em năm thứ nhất đến từ Hòa Bình vừa rồi ở ĐH Bách khoa thì không có chuyện gian lận. Như tôi đã nói trước đây, những thí sinh học không tốt, chắc là không dám nộp hồ sơ vào ĐH Bách khoa” - PGS Trần Văn Tớp cho hay. Nhưng ông đưa ra một thực tế là, hiệu ứng từ sự việc này nên có chuyện “vàng thau lẫn lộn”. Các em ở Hòa Bình học tốt, thi thật, học thật vẫn có mặc cảm bị mang tiếng.

Trước câu hỏi, liệu có nên công bố danh sách thí sinh được nâng điểm hay không, PGS Trần Văn Tớp nêu quan điểm về thí sinh thì có thể không nên. “Nhưng  nói thật là những thí sinh này không hẳn là vô can. Sai lệch một, hai điểm có thể không biết. Nhưng khi mỗi môn sai lệch tới 6 điểm chẳng hạn, sao không biết. Trong khi đó, sự thật là có môn sai lệch tới hơn 9 điểm. Nhưng đối với những người làm sai lệch, phải công bố. Những người làm sai lệch gồm người mua điểm và người bán điểm phải công khai”, PGS Trần Văn Tớp nói.  

Theo một chuyên gia làm tuyển sinh ĐH lâu năm thì vẫn có cơ sở để hủy toàn bộ kết quả bài thi của những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình chứ không phải là trả về điểm thực cho thí sinh. Điểm 5, điều 49 của quy chế thi THPT quốc gia có nêu các điều kiện để huỷ bỏ kết quả thi đối với trong đó có việc sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài. Với những thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình, thì bài làm của các em thực chất đã được sửa chữa, thêm bớt sau khi đã nộp bài.

Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi cụm thi Hòa Bình tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nói: Sự việc đang được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hòa Bình. Tôi chưa thể hiện quan điểm cá nhân của mình về việc này được. Vì đến giờ tôi chưa nhận được báo cáo của Sở GD&ĐT Hòa Bình. Sở chưa báo cáo. Tôi cũng chưa nhận được danh sách thí sinh được nâng điểm. Bộ gửi cho sở. Tôi chỉ nghe báo cáo là sở còn phải vào hệ thống để tìm địa chỉ của những thí sinh này. Nhưng nhân sự là những  người biết làm thì đã bị bắt, máy tính thì đã bị công an quản lý. Nên sở cũng chưa báo gì. Sở chưa báo cáo nên chúng tôi cũng chưa có chỉ đạo gì.

Tại sao Sở GD&ĐT Hà Giang công bố danh sách thí sinh được nâng điểm mà Sở GD&ĐT Hòa Bình không công bố là băn khoăn của dư luận hiện nay. Tháng 7/2018, ngay sau khi việc gian lận thi cử được phanh phui và khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Giang đã công bố danh sách những thí sinh được nâng điểm, tuy chỉ là công bố số báo danh nhưng cũng khiến dư luận cảm thấy minh bạch, công khai 

MỚI - NÓNG